Câu hỏi Nhà tuyển dụng muốn NGHE nhưng hiếm Ứng viên HỎI

Đăng ngày: 05/09/2023 Lượt xem: 76229

Nội dung bài viết Ẩn/Hiện

    Trong các cuộc phỏng vấn, nhiều nhà tuyển dụng không chỉ yêu cầu hồ sơ đẹp hay câu trả lời thông minh mà còn rất khuyến khích ứng viên đặt câu hỏi. Việc ứng viên câu hỏi cho nhà tuyển dụng cho thấy tính chủ động và sự quan tâm đến công việc ứng tuyển. Dưới đây là tuyển tập những câu hỏi cho nhà tuyển dụng ấn tượng nhất, bạn có thể tham khảo và áp dụng.

    Ảnh: Minh họa (Nguồn: Internet)

    1. Vì sao nên đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng khi đi phỏng vấn?

    Không hiếm cách để gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn xin việc, từ CV sáng tạo, mục tiêu nghề nghiệp phù hợp cho tới những kỹ năng mềm. Tuy nhiên, giới trẻ ngày nay đang mách nhau một bí quyết hiệu quả hơn khi đi phỏng vấn. Chính là mẹo đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng để vừa bộc lộ thái độ nghiêm túc với công việc ứng tuyển, vừa tinh ý thể hiện lối ứng xử khôn khéo. 

    Hãy tận dụng cơ hội đặt câu hỏi ngay khi được hỏi “Bạn còn câu hỏi nào nữa không?” ở cuối buổi phỏng vấn. Đây là lúc nhà tuyển dụng thực sự đánh giá độ nổi bật của ứng viên, vậy nên đừng bỏ qua hoặc nói quá ít nhé. Tuy nhiên, không phải cứ đưa bừa câu hỏi là được mà phải chọn lọc cẩn thận. Thậm chí là bạn nên chuẩn bị trước tại nhà để sẵn sàng đặt câu hỏi bất cứ lúc nào. 

    Hãy chuẩn bị sẵn nội dung để sẵn sàng đặt câu hỏi bất cứ lúc nào. Đây là 1 trong  những cách mà Nhà tuyển dụng đánh giá sự nổi bật của bạn sau quá trình phỏng vấn. Ảnh: Minh họa (Nguồn: Internet)

    a. Thể hiện bạn rất quan tâm đến vị trí tuyển dụng

    Mức độ quan tâm của ứng viên dành cho vị trí ứng tuyển chính là thước đo quan trọng để nhà tuyển dụng xem xét và đánh giá. Nhà tuyển dụng thường muốn biết: Bạn quan tâm đến điều gì ở công ty? Bạn đã tìm hiểu về vị trí ứng tuyển chưa? Vì sao bạn thấy vị trí này phù hợp với năng lực của mình?…Vì vậy, đừng ngại ngần đặt câu hỏi, bạn cũng nên đặt các câu hỏi liên quan đến lương thưởng, sơ đồ bộ máy quản lý công ty, lộ trình thăng tiến,…

    b. Làm rõ những thắc mắc của bản thân 

    Việc đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng hướng đến mục đích cuối cùng là làm rõ những thắc mắc của bản thân. Đừng quá chú trọng vào độ phức tạp của câu hỏi mà nên tập trung vào nhu cầu bản thân. Bạn đang thực sự chưa hiểu điều gì về vị trí ứng tuyển? Những câu hỏi chân thành, không rập khuôn, không màu mè cũng là yếu tố tiên quyết khiến nhà tuyển dụng đánh giá bạn cao hơn nhiều người khác đấy. 

    c. Gửi thông điệp đến nhà tuyển dụng 

    Thông qua câu hỏi, bạn có thể lồng ghép thêm những thông điệp riêng của mình để họ thấy rõ mong muốn và dự định phát triển sự nghiệp. Ví dụ: câu hỏi về giờ làm việc hoặc chế độ nghỉ phép sẽ thể hiện sự quan tâm của bạn đến thời gian, câu hỏi về tài chính cho thấy bạn chú trọng thu nhập, câu hỏi về đãi ngộ thì lại cho thấy bạn sẵn sàng hoàn thành công việc vượt tiến độ để nhận phần thưởng lớn. 

    2. Cách đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng

    Nên chú ý điều gì khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng? Để ghi điểm tuyệt đối thì bạn cần lưu ý một số điều sau đây. 

    a. Không đặt câu hỏi dạng trả lời có hoặc không 

    Nhà tuyển dụng rất thích nhận lại câu hỏi chi tiết về công ty để có thể mô tả cụ thể hơn về môi trường làm việc. Thay vì chỉ hỏi “Công ty anh/chị có bắt buộc làm ngoài giờ không?” thì hãy mở rộng thêm thành “Công ty anh/chị có những quy định nào về thời gian làm việc? Nếu làm ngoài giờ thì có được hưởng thêm thu nhập?”. 

    b. Thái độ chân thành 

    Thái độ của ứng viên khi đặt câu hỏi sẽ là cách để nhà tuyển dụng quan sát xem ai mới là người thật sự quan tâm đến vị trí ứng tuyển. Có nhiều ứng viên mắc lỗi vô cảm khi đặt câu hỏi, như thể chỉ nói ra cho có lệ, thậm chí còn có người đặt câu hỏi không liên quan gì đến công việc sắp tới. Vì thế, bạn nên nhấn nhá giọng điệu trong câu hỏi để bày tỏ sự thắc mắc của bản thân. Bạn có thể thêm vào lý do đặt câu hỏi, chẳng hạn như: “Em đã tìm trên website công ty nhưng không có?”. 

    c. Hỏi đúng trọng tâm 

    Một câu hỏi dài dòng và lan man sẽ chỉ làm mất thời gian cho cả nhà tuyển dụng lẫn ứng viên tới phỏng vấn. Bạn muốn hỏi về mức lương trung bình thì hãy vào thẳng vấn đề, tránh lạc đề sang tận nội dung khác. Ví dụ:

    Câu hỏi không đúng trọng tâm: “Em còn là sinh viên ấy ạ, thu nhập em cũng không cần quá cao. Tuy nhiên, em vẫn muốn có lương tháng ổn định một chút…Không biết bên công ty mình thường trả mức lương nào ạ?”

    Câu hỏi đúng trọng tâm: “Mức lương chính thức của vị trí này tại công ty bao nhiêu ạ? Nếu là lương thử việc thì sẽ được trả bao nhiêu % của lương chính thức ạ?”

    d. Nội dung câu hỏi chỉ xoay quanh công việc 

    Vì đang phỏng vấn xin việc làm nên bất kỳ câu hỏi nào ứng viên đưa ra đều chỉ nên tập trung vào tính chất công việc. Những vấn đề khác liên quan đến hoạt động du lịch hàng năm hay các mối quan hệ cá nhân trong công ty sẽ không được khuyến khích cho lắm. Dù sao thì đây cũng là lúc trao đổi về công việc nên hãy luôn tập trung vào nhiệm vụ và lợi ích đạt được từ vị trí ứng tuyển. 

    e. Cảm ơn sau khi được giải đáp

    Cuối cùng, thái độ lịch sự sẽ là điểm nhấn ấn tượng để kết thúc buổi phỏng vấn. Không chỉ là cảm ơn nhà tuyển dụng vì đã tạo cơ hội cho bản thân đến phỏng vấn mà còn cần chúc sức khỏe họ hoặc chúc công ty làm ăn phát đạt. Nói chung, cuối buổi phỏng vấn nhất định không được quên lời cảm ơn, lời chúc và lời chào tạm biệt thân ái nhất. 

    3. Danh mục Những câu hỏi Nhà tuyển dụng muốn nghe từ ứng viên

    Cân nhắc lựa chọn 5 chủ đề câu hỏi sau đây để ghi điểm chuyên nghiệp trong mắt nhà tuyển dụng. Nếu bạn muốn bản thân trở thành ứng cử viên nổi bật số một thì hãy luôn chủ động đặt câu hỏi. Nhớ phân biệt kỹ đâu là nội dung trọng tâm để đạt hiệu quả phỏng vấn tốt nhất nhé! 

    Đâu là những câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng? Ảnh: Minh họa (Nguồn: Internet)

    a. Câu hỏi về lương 

    • Mức lương chính thức cho 1 tháng làm việc của tôi là bao nhiêu?
    • Mức lương dành cho thời gian thử việc là bao nhiêu? Bằng bao nhiêu phần trăm lương chính thức?
    • Tôi có lương thưởng trong trường hợp hoàn thành tốt công việc không?
    • Công ty có mức tiền thưởng lễ, Tết không? Cụ thể như thế nào?
    • Công ty có đóng bảo hiểm y tế cho nhân viên không?
    • Công ty thanh toán tiền lương bằng hình thức trả tiền mặt hay chuyển khoản ATM?

    b. Câu hỏi về lộ trình thăng tiến nghề nghiệp

    • Dự định phát triển trong tương lai của công ty như thế nào? Có mở rộng thị trường sang thành phố khác hoặc quốc gia khác không? 
    • Công ty có những thế mạnh và hạn chế nào? 
    • Lộ trình thăng tiến sẽ được tính theo tháng hay năm? 
    • Để được xét duyệt thăng chức thì nhân viên cần đạt đủ bao nhiêu chỉ tiêu? 
    • Cá nhân/Tập thể nào sẽ trực tiếp đánh giá năng lực của nhân viên?

    c. Câu hỏi về kỹ năng và kiến thức cần có trong công việc

    • Yêu cầu chính cho công việc tôi ứng tuyển bao gồm những gì?
    • Công việc này sử dụng kỹ năng nào nhiều nhất? 
    • Công việc này có yêu cầu đi công tác không? Nếu có thì là ở trong nước hay quốc tế?
    • Công việc này có cần sử dụng ngoại ngữ nhiều không? Cụ thể là ngoại ngữ gì? 
    • Phòng/Ban nào sẽ quản lý trực tiếp tôi?
    • Vị trí này thường gặp phải áp lực gì? 
    • Vị trí này thường được nhận lương thưởng như thế nào?

    d. Câu hỏi về kết quả buổi ứng tuyển

    • Thời gian công bố kết quả tuyển dụng của công ty là vào hôm nào?
    • Kết quả tuyển dụng sẽ được gửi đến cá nhân trúng tuyển hay đăng danh sách lên website?
    • Công ty dự định tuyển dụng bao nhiêu người cho vị trí này? 

    Vậy là bài viết trên đã gợi ý một loạt các cách đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Hãy tham khảo và chọn lọc cẩn thận để có cho mình bí kíp phỏng vấn tuyệt vời nhất. Đừng quên tìm kiếm cơ hội việc làm rộng mở, được kết nối với hàng trăm nhà tuyển dụng tại https://vieclam.ntt.edu.vn/. Chúc các bạn thành công!

    Nguồn: Tham khảo và biên soạn từ topcv.vn

    Bình luận