“Bắt mạch” những nỗi sợ hãi của sinh viên mới ra trường

Đăng ngày: 28/05/2020 Lượt xem: 1423

Nội dung bài viết Ẩn/Hiện

    Không non nớt như các em vừa mới bước chân vào cổng trường đại học nhưng cũng chẳng dày dặn như các anh chị đã đi làm nhiều năm, bạn – sinh viên mới ra trường là người ở khoảng lưng chừng với sự bấp bênh và vô vàn nỗi lo lắng. Chẳng khó khăn gì để bắt mạch và gọi tên những nỗi lo này –  điều vô hình chung tạo thành rào cản lớn đối với chính bạn trong bước ngoặt đánh dấu hơn 1/3 của cuộc đời người.

    “Bắt mạch” những nỗi sợ hãi của sinh viên mới ra trường

    Không non nớt như các em vừa mới bước chân vào cổng trường đại học nhưng cũng chẳng dày dặn như các anh chị đã đi làm nhiều năm, bạn – sinh viên mới ra trường là người ở khoảng lưng chừng với sự bấp bênh và vô vàn nỗi lo lắng. Chẳng khó khăn gì để bắt mạch và gọi tên những nỗi lo này –  điều vô hình chung tạo thành rào cản lớn đối với chính bạn trong bước ngoặt đánh dấu hơn 1/3 của cuộc đời người.

    1. Thất nghiệp

    Đây có lẽ nỗi lo lớn nhất của mỗi sinh viên sau hàng năm trời “dùi mài kinh sử”. Thất nghiệp là khoảng thời gian thực sự rất đáng sợ khi bạn vẫn phải xin trợ cấp từ gia đình, rải đơn xin việc đến hàng trăm công ty nhưng không tìm được một nơi phù hợp, là cảm giác trông chờ và hi vọng mỗi lần cầm trên tay chiếc điện thoại và là sự tự ti, mặc cảm khi những đứa bạn cùng lứa nay đã yên ổn trong môi trường văn phòng sang trọng, có thể tự nuôi sống bản thân.

    Để vượt qua được giai đoạn này, bạn cần phải rất kiên trì, đừng dễ dàng bỏ cuộc. Bạn cũng nên ngồi nghiệm lại xem tại sao mình lại rớt phỏng vấn nhiều lần đến thế, phải chăng do bạn thiếu kỹ năng hay chỉ vì CV xin việc của bạn đầy những lỗi sai ngớ ngẩn. Nếu đúng là như vậy, bạn có thể tranh thủ học thêm các khóa học để nâng cao kiến thức, kỹ năng liên quan đến công việc mà bạn yêu thích; đồng thời, bạn nên đầu tư thời gian để tìm hiểu các mẹo tạo CV bắt mắt, thu hút nhà tuyển dụng trên các trang web, blog uy tín… để làm tăng cơ hội cho chính mình.

    2. Làm việc trái ngành

    Không phải ai cũng có đủ tiềm lực tài chính, đam mê và đủ kiên nhẫn để theo đuổi ước mơ. Đôi khi, vì lí do “cơm, áo, gạo, tiền”, bạn buộc phải rẽ sang một hướng đi hoàn toàn khác biệt, làm công việc không hề dính dáng với chuyên ngành đã học. Có lẽ điều đáng lo ngại nhất là khi đã mạo hiểm dấn thân mà vẫn không thể đạt được thành công như mong đợi.

    Để có thể tránh được viễn cảnh xin việc trái ngành đầy chật vật thì ngay từ thời điểm ban đầu, bạn phải tỉnh táo với ngành nghề mà mình lựa chọn. Chúng không chỉ phải phù hợp với sở thích, khả năng của bạn mà nhất định phải có tiềm năng phát triển hay nói cách khác là nhu cầu về ngành nghề đó không ngừng gia tăng trong tương lai.

    Tuy nhiên, nếu không được làm công việc mơ ước, bạn cũng đừng quá cứng nhắc và cảm thấy lo lắng khi nhắc đến chuyện tìm việc làm trái ngành. Biết đâu đây lại là cơ hội giúp bạn khám phá thêm những thế mạnh của chính mình, đón nhận vùng trời tri thức mới, làm nền tảng vững chắc cho cuộc trở lại đầy ngoạn mục chinh phục con đường sự nghiệp dở dang trước đó. Chỉ cần bạn học được cách yêu công việc mình làm thì sự lựa chọn nào cũng đều xứng đáng để bạn dấn thân cả.

    3. Thiếu kinh nghiệm

    Có một thực tế là hầu hết các sinh viên mới ra trường đều thiếu hụt trầm trọng về kinh nghiệm và các kỹ năng mềm trong khi đa phần các mẫu tin đăng tuyển đều yêu cầu mức “2 – 3 năm kinh nghiệm”, vậy thì làm sao bạn có thể chiều lòng nhà tuyển dụng trong khi bạn hầu như không có thời gian trống ngoài việc học?

    Sinh viên ra trường thiếu kinh nghiệm thực tiễn

    Bí quyết duy nhất là bạn phải nắm bắt tất cả các cơ hội ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tích cực tham gia các hoạt động đội, nhóm sẽ trang bị cho bạn những kỹ năng hữu ích như: nói trước công chúng, khả năng thuyết trình, khả năng làm việc nhóm… Bên cạnh đó, nếu may mắn thì trải qua quá trình thực tập, bạn đã có thể nắm chắc trong tay vốn kinh nghiệm vững vàng và dễ dàng xin được công việc đúng chuyên ngành, sát với nguyện vọng.

    4. Mơ hồ khi nhắc đến phương hướng

    Hơn tất cả những nỗi sợ bên trên, điều mà sinh viên mới ra trường cảm thấy hoang mang nhất chính là không xác định được phương hướng. Bạn không biết mình có sở trường, sở đoản gì, không hiểu mình muốn gì và sẽ làm gì trên chặng đường sắp tới. Cứ mãi loay hoay tìm lời giải đáp thì bạn lại càng lãng phí thời gian, chưa kịp thích nghi với môi trường văn hóa của công ty này đã vội nhảy việc sang công ty khác vì cảm thấy không phù hợp.

    Đừng phí phạm tuổi trẻ một cách không đắn đo như thế, thay vì dành thời gian cho những buổi cà phê bạn bè, hãy tĩnh tâm và lắng nghe chính bản thân mình. Nếu bạn vẫn không thể trả lời những câu hỏi, hãy nhờ đến sự trợ giúp từ những người xung quanh. Là người ngoài cuộc, họ sẽ nhìn nhận đúng năng lực và cho bạn những lời khuyên có giá trị.