Bỏ ngay 5 lỗi thường gặp này để nâng cao kỹ năng nói trước đám đông

Đăng ngày: 24/06/2020 Lượt xem: 1317

Nội dung bài viết Ẩn/Hiện

    Mọi người thường không hứng thú và thiếu tập trung khi nghe bạn trình bày ý kiến. Cải thiện kỹ năng nói trước đám đông là việc mà bạn cần làm ngay bây giờ. Bài viết dưới đây sẽ chỉ dẫn cho bạn!

    Bỏ ngay 5 lỗi thường gặp này để nâng cao kỹ năng nói trước đám đông

    Theo khảo sát, nói trước đám đông là một trong những nỗi sợ lớn nhất của con người. Lo lắng, bồn chồn và mất bình tĩnh khi nói trước nhiều người khiến bạn mắc phải những sai lầm không đáng có. Nếu bạn vẫn chưa biết về những lỗi sai thường gặp và cách khắc phục thì hãy bỏ túi ngay các "bí quyết" này để nâng cao kỹ năng nói trước đám đông của mình nhé!

    1. Mở đầu thiếu hấp dẫn

    Plato, triết học gia nổi tiếng người Hy Lạp đã nói: “Phần mở đầu là quan trọng nhất của một công việc”. Tương tự, khi phát biểu trước đám đông, phần mở đầu cũng là phần quan trọng nhất.

    Mở đầu hấp dẫn sẽ thu hút người nghe vào chủ đề đang nói 

    Một mở đầu đơn điệu, không gây ấn tượng hoặc nói những điều không cần thiết sẽ làm lãng phí thời gian của cả người nói và người nghe. Điều này không thể nào cuốn hút mọi người và tạo động lực để họ lắng nghe bạn nói tiếp.

    Do vậy, thay vì những cách mở đầu nhàm chán, bạn nên sử dụng một phương pháp mới mẻ và sáng tạo, để lại ấn tượng mạnh mẽ hơn trong lòng khán giả. Bạn có thể dùng những câu hỏi mang tính thách thức hoặc đơn giản hơn là bắt đầu bằng một mẩu truyện ngắn, một con số ấn tượng liên quan đến chủ đề bạn muốn nói để thu hút người nghe.

    Đừng quên truyền đạt cho đám đông biết vì sao thông tin bạn sắp nói là quan trọng và có ích để họ phải tập trung lắng nghe. Nếu thông tin đó vô nghĩa, họ sẽ không quan tâm.

    2. Thiếu tự tin trong giao tiếp

    Một trong những sai lầm phổ biến khi phát biểu trước đám đông là ấp úng, ngại ngùng và nói quá nhỏ. Người nghe sẽ không thể nào tiếp thu hết thông tin khi bạn liên tục mắc phải những lỗi này.

    Cách khắc phục hiệu quả cho nhược điểm này là hãy luyện tập! Bạn có thể tự ghi âm lại bài nói của mình để nghe và sửa lỗi sai. Ngoài ra, để nhận được những lời nhận xét khách quan và hữu ích thực sự, bạn có thể luyện nói trước một nhóm nhỏ, như bạn bè hoặc người thân. Việc rèn luyện này sẽ giúp bạn làm chủ giọng nói và diễn đạt rõ ràng, lưu loát hơn.

    Khắc phục những lỗi giao tiếp sẽ giúp bạn truyền đạt nội dung tốt hơn

    Một lỗi thường gặp đối với các bài diễn thuyết hoặc phát biểu trước đám đông là người nói trình bày quá dài dòng và lan man. Khuyết điểm này sẽ làm người nghe không nắm được nội dung trọng tâm và không biết bạn muốn truyền đạt điều gì.

    Để tránh phạm phải điều này, bạn cần chuẩn bị tốt hơn cho phần nội dung. Bạn có thể sắp xếp, lựa chọn thông tin một cách chọn lọc và ghi nhớ những ý chính trong bài nói. Việc tập trung xuyên suốt vào nội dung, không nói "lạc đề" giúp người nghe dễ dàng nắm bắt được thông tin và nâng cao hiệu quả cho bài phát biểu của bạn.

    3. Thiếu ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm và năng lượng khi nói

    Cảm xúc là một yếu tố quan trọng. Nếu trong suốt quá trình phát biểu, bạn chỉ giữ một biểu cảm gương mặt và một tông giọng đều đều, khán giả sẽ dễ rơi vào trạng thái bị “ru ngủ”.

    Bạn sẽ thành công hơn nếu biết kết hợp giữa ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm và năng lượng bản thân nhằm truyền đạt các thông tin tới khán giả. Phần trình bày của bạn sẽ sinh động, thú vị hơn, bên cạnh đó còn thu hút được nhiều người lắng nghe và khiến họ không thể rời mắt khỏi chủ đề đang nói.

    Hãy học tập kỹ thuật thuyết trình như Barack Obama – bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể 

    Một điểm nên lưu ý là bạn cần loại bỏ những cử chỉ xấu, như siết chặt hai bàn tay, xóc tiền xu, xoay nhẫn trên ngón tay, liên tục sờ vào tóc hoặc quần áo, xoay bút, lắc đầu, sờ lên mặt… Những hành động này sẽ khiến người nghe mất tập trung vào nội dung bạn đang nói.

    4. Ít tương tác với người nghe

    Bạn đứng trước đám đông nhưng chỉ tập trung vào việc nói về vấn đề của mình mà không chú tâm tới người nghe. Đó là một sai lầm nghiêm trọng. Không tương tác với mọi người, bạn sẽ không biết được liệu họ có đang theo dõi những gì mình nói hay không.

    Tương tác với người nghe làm tăng hiệu quả phần trình bày

    Việc giao tiếp với khán giả trong khi nói sẽ tạo ra không khí giao lưu thoải mái cho người nghe và thể hiện được sự quan tâm của bạn dành cho họ. Bằng việc đặt những câu hỏi, trò chuyện và trao đổi, nội dung bạn muốn truyền đạt sẽ được đón nhận, tiếp thu có hiệu quả hơn.

    5. Chỉ đọc slide hoặc các tài liệu chuẩn bị trước

    Người nghe cần một người truyền thông điệp và cảm hứng chứ không phải một người “trả bài”. Slide trình chiếu hay các giấy tờ chuẩn bị trước có thể là công cụ đắc lực giúp bạn ghi nhớ nội dung nhưng khán giả có thể tự đọc những tài liệu này mà không cần tới sự lặp lại của bạn. Cái họ cần là cách truyền đạt thông tin đơn giản, dễ hiểu và ấn tượng hơn.

    Bạn có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ một cách thông minh hơn, chẳng hạn như dùng slide để thể hiện hình ảnh, videos, các số liệu để nhấn mạnh cho nội dung bài nói của bạn. Việc làm này sẽ giúp người nghe theo dõi chủ đề đang nói một cách trực quan hơn.

    Biểu đồ giúp người nghe tiếp nhận thông tin trực quan hơn 

    Trên đây là 5 trong số các lỗi thường mắc phải khi phát biểu trước nhiều người. Hãy rèn luyện để có kỹ năng nói trước đám đông một cách chuyên nghiệp bạn nhé!

    Nguồn: Internet