Dấu hiệu cảnh báo bạn nên thay đổi nghề nghiệp

Đăng ngày: 12/05/2020 Lượt xem: 927

Nội dung bài viết Ẩn/Hiện

    Thay đổi nơi làm việc không phải lúc nào cũng dễ dàng, thay đổi nghề nghiệp càng có nhiều điều phải lo toan, suy nghĩ và chuẩn bị hơn. Tuy nhiên, nếu có kế hoạch và một chiến lược phù hợp, bạn hoàn toàn có thể thành công, bất kể bạn đang ở đâu trong sự nghiệp hay bạn bao nhiêu tuổi.

    Những dấu hiệu cho thấy bạn đang chọn sai nghề

    1. Liệu bạn có đang chọn sai nghề

    Ở nhầm chỗ – chọn nhầm nghề sẽ mang đến cái cảm giác không hài lòng về vị trí, công việc, công ty, đồng nghiệp, quán ăn trưa, nhà gửi xe, thang máy… thậm chí là sếp mỗi ngày. “Giọt nước tràn ly”, những khó chịu đó sẽ tích tụ trong lòng bạn đến một lúc nào đó chỉ vì một số chuyện hay vài câu nói mà bạn sẵn sàng chìa lá đơn xin nghỉ việc cất giấu ở ngăn bàn bấy lâu.

    Có khoảng 60 - 80% người lao động ở các lĩnh vực không hài lòng với công việc của mình. Liệu bạn có phải là một trong số đó trong khi bạn không hề hay biết? Vì sao bạn chọn sai nghề? Chọn nghề sao cho đúng là mối quan tâm của hầu hết người tìm việc làm. Dưới đây là 6 dấu hiệu cho thấy nghề bạn đang theo đuổi không còn phù hợp với mình.

    2. Những dấu hiệu cho thấy bạn đang chọn sai nghề

    a. Cảm giác bất mãn kéo dài

    Sự bất mãn sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề khác khiến chúng ta ngày càng thấy khó khăn hơn để tiếp tục gắn bó với công việc hiện tại. Bạn bắt đầu bực bội vào buổi sáng thứ Hai và tình trạng tiếp diễn với mọi ngày trong tuần, số ngày nghỉ ốm ngày càng nhiều. Tất cả chúng ta, dù có yêu thích việc đang làm đến đâu thì cũng có ngày thậm chí là một vài tuần tồi tệ. Tuy nhiên, nếu thời gian đó kéo dài và cảm xúc của bạn ngày càng tệ hại thì đã đến lúc bạn nên cân nhắc tìm kiếm một công việc mới.

    Đương nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng đạt được thứ phù hợp với bản thân nhưng sự bất mãn kéo dài sẽ chỉ khiến bạn thêm mệt mỏi. Hãy cân nhắc đến sức khỏe, hạnh phúc của bạn và một con đường sự nghiệp khác. Cảm giác bất mãn có thể gặp ở bất kỳ một ngành nghề nào, từ nhân viên hành chính nhân sự, nhân viên kế toán, nhân viên bán hàng, kinh doanh... Hay cả những người đang đảm nhiệm những chức vụ quan trọng như trưởng phòng, quản lý, giám đốc cũng sẽ không tránh được những bất mãn trong quá trình làm việc.

    Cảm giác bất mãn, chán nản và mệt mỏi kéo dài

    b. Trì hoãn

    Bạn có xu hướng trì hoãn mọi thứ cho đến phút cuối cùng. Bạn chọn nghề này chỉ vì nó nhàn hạ, thu nhập ổn định và sau một thời gian đủ dài, sự không thích hợp sẽ ngày càng bành trướng và khiến bạn mất phương hướng trong sự nghiệp. Khi bạn thấy mình bị mắc kẹt vì đã chọn nghề không đúng, rất dễ đánh mất kinh nghiệm và kỹ năng bạn đã tích lũy được. Khi cảm thấy bực bội, bạn không thể dành hết sức lực để xử lý công việc mới được giao. Nếu điều này xảy ra, hãy tạm dừng và đánh giá lại ưu tiên của bản thân.

    Cũng có thể chỉ là tạm thời, ai cũng có một giai đoạn như vậy, tự hỏi chính mình nếu 1-2 năm tới bạn vẫn phải chịu đựng ở đó thì sao. Dù rằng hiện nay nỗi sợ chung của người tìm việc là khó có được công việc ổn định như công việc cũ, rồi lại mất thời gian hòa nhập với công việc mới... Tuy nhiên nếu cứ để nỗi sợ hãi này mãi ám ảnh thì bạn sẽ mãi không có được hứng thú trong công việc, cuộc sống công việc hằng ngày của bạn sẽ trở nên nhàm chán...

    Bạn có xu hướng trì hoãn mọi thứ cho đến phút cuối cùng

    c. Bạn đang sống trong giấc mơ của người khác

    Bạn đang làm công việc hiện tại bởi vì bạn không trả nổi học phí đắt đỏ cho ngành mà bạn hứng thú nhất. Bạn theo con đường này chỉ bởi vì lúc đó xã hội chuộng nghề này và cơ hội việc làm đa dạng nhưng lâu dần bạn thấy công việc này không hề phù hợp với tính cách của bạn. Bạn cảm thấy nhàm chán, bối rối và không chắc chắn. Không bao giờ là quá muộn để thay đổi. Trên hành trình đó sẽ luôn có những khó khăn, trở ngại nhưng nếu bạn đang làm mọi thứ để thực hiện ước mơ bạn sẽ có được niềm vui thực sự.

    Đâu là nguyên nhân khiến bạn chọn sai nghề

    d. Câu "Nếu như..." lặp lại liên tục

    Trong khi trên bàn làm việc là bao nhiêu dự án đang chờ hoàn thành thì bạn lại ngồi ngẩn ngơ và tưởng tượng về một nghề hoàn toàn khác. Đôi khi chúng ta nói "Nếu như..." chỉ để trêu đùa cho vui, nhưng khi bạn liên tục hỏi mình những câu như "Nếu mình chọn nghề khác khi học đại học thì sao nhỉ?", "Nếu mình trở thành nhiếp ảnh gia thì sao nhỉ" hay đại loại như vậy thì bạn nên tự hỏi bản thân và hành động để có câu trả lời thực sự.

    e. Mục tiêu cá nhân không phù hợp với công ty

    Sếp tế nhị yêu cầu bạn hy sinh một phần cuộc sống cá nhân cho công việc. Sếp tạo mọi sự cân bằng để tạo thuận lợi cho công ty phát triển. Đó là việc họ phải làm vì sự phát triển của doanh nghiệp, không có gì sai cả. Điều quan trọng là ở lựa chọn của bạn. Hãy xem xét lại mục tiêu cá nhân để biết liệu chúng có phù hợp với mục tiêu của sếp và của cả công ty hay không. Ngày nay, nghề nghiệp rất linh hoạt và chuyển việc là chuyện thường ở huyện. Thật vô ích nếu bạn cứ khư khư dành thời gian làm việc ở công ty mà mình không thể duy trì cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng như không có cơ hội thăng tiến.

    f. Bạn không được đánh giá đúng năng lực

    Bạn hoàn thành tốt công việc này trong thời gian dài nhưng vẫn không được sếp tin tưởng giao cho nhiệm vụ mới hay công việc quan trọng hơn. Năng lực của bạn không được quản lý công nhận, đề xuất tăng lương cũng không được đáp ứng. Nếu bạn rơi vào hoàn cảnh này thì đã đến lúc bạn nên tìm kiếm cho mình cơ hội mới. Trong quá trình tìm việc, bạn cần biết mình là ai, năng lực của mình thế nào để chọn nghề phù hợp, có như vậy mới tránh được chọn sai nghề, làm lãng phí thời gian và công sức của bản thân.