Điều nhỏ có thể tạo ra tác động lớn cho buổi phỏng vấn

Đăng ngày: 30/07/2019 Lượt xem: 952

Nội dung bài viết Ẩn/Hiện

    Bạn sắp có một cuộc phỏng vấn việc làm. Bạn đã dành thời gian để chuẩn bị những điều rất quan trọng như chọn trang phục phù hợp, nghiên cứu về công ty, liên hệ để có được các thông tin cần thiết...

    Suy nghĩ tích cực

    Ngay cả những người tự tin nhất cũng cảm thấy lo lắng và nghi ngờ về bản thân trước khi bước vào phòng phỏng vấn. Điều này rất tự nhiên bởi bạn sắp ngồi trên “ghế nóng” trong ít nhất 30 phút và kết quả có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn. Vấn đề là cảm giác nghi ngờ này có thể khiến bạn mất kiểm soát.

    Để tránh điều này, hãy lập một danh sách nhỏ nhưng đầy đủ các lí do vì sao bạn là ứng viên lý tưởng trên giấy hoặc điện thoại và nhìn vào đó trước khi bạn bước vào phòng. Đây là cuộc nói chuyện mà bạn phải xuất hiện với sự tự tin cao nhất. Do đó, hãy tập trung vào những điểm tích cực, xóa bỏ các nghi ngờ và nhớ rằng: Bạn ở đây vì nhà tuyển dụng muốn nói chuyện với bạn.

     

    Kiểm tra hơi thở

    Hơi thở của bạn có thể có tác động rất lớn đến ấn tượng đầu tiên, ngay cả khi đó là do việc uống quá nhiều cà phê hoặc ăn một món gì đó có mùi quá nặng. Điều này có thể gây khó chịu và khiến bạn luôn được nhớ đến vì những điều tiêu cực. Tốt nhất là nên nhai kẹo bạc hà hoặc kẹo cao su để có hơi thở thơm mát, nhưng hãy chắc chắn rằng bạn không nhai kẹo trong quá trình phỏng vấn nhé.

     

    Cập nhật các tin tức mới nhất

    Bạn rất có thể có một chiếc điện thoại thông minh, vì vậy hãy sử dụng nó. Trong khi bạn đang ở trong phòng chờ, hãy lướt qua các tiêu đề tin tức. Chuyện gì đang xảy ra trên thế giới? Có điều gì có thể có tác động đến công ty mà bạn sắp phỏng vấn không?

    Ngay cả khi không có, việc cập nhật các tin tức mới nhất cũng cho thấy bạn kiểm soát được tình huống. Nhà tuyển dụng có thể bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng một vài câu chuyện về điều gì đó đang còn “nóng hổi” trên các mặt báo và nếu bạn không biết gì về nó, bạn sẽ trở nên khó xử. Bạn không cần phải là một chuyên gia nhưng cần biết một chút, điều đó sẽ có lợi cho bạn. 

     

    Đọc qua CV một lần nữa

    Có thể bạn đã biết rõ CV của mình như lòng bàn tay nhưng cũng nên nhìn lướt qua trước khi bạn vào phòng phỏng vấn. Hãy kiểm tra các chi tiết một lần nữa, chọn ra những điều bạn cảm thấy tự hào nhất và tập trung vào những điều đó trong cuộc phỏng vấn. Nếu có thể, hãy in thêm CV của bạn và sẵn sàng cung cấp cho cả người phỏng vấn và bất kỳ người nào khác mà họ đã mời đến trong cuộc gặp gỡ.

     

    Đọc lại thông tin đăng tuyển

    Bạn đã nộp hồ sơ ứng tuyển và sắp bước vào phòng phỏng vấn, vậy thì bạn cần đọc lại thông tin đăng tuyển để làm gì? Điều quan trọng mà bạn không nên làm là trông giống như người không có sự chuẩn bị. Có thể vài ngày, thậm chí vài tuần kể từ lần cuối bạn đọc bản mô tả công việc và bạn không nên để bất kỳ câu hỏi nào làm bạn ngạc nhiên. Cụ thể, hãy nhìn vào các kỹ năng hoặc nhiệm vụ cần thiết trong vai trò mà bạn ứng tuyển, chọn ra những điều phù hợp nhất với kỹ năng của bạn và đề cập đến chúng trong cuộc phỏng vấn.

     

    Đi sớm để đảm bảo đúng giờ

    Lập kế hoạch tuyến đường chính để đi đến nơi phỏng vấn và các tuyến đường thay thế đề phòng trường hợp có điều gì đó xảy ra. Hầu hết các hệ thống GPS sẽ cung cấp cho bạn các tuyến đường vòng thay thế nếu bạn gặp sự cố bất ngờ, nhưng chúng có thể là một cơn ác mộng, nếu con đường đó quá xa trong khi bạn không có nhiều thời gian.

    Vì vậy, hãy xem xét mất bao lâu để đi đến nơi phỏng vấn nhằm đảm bảo bạn sẽ đến đúng giờ. Bạn không nên đến nơi với sự vội vã cùng khuôn mặt hốt hoảng, đầy mồ hôi bởi điều này sẽ cho thấy bạn không có khả năng sắp xếp. Tốt hơn là đến sớm 15 phút hơn so với giờ hẹn.

     

    Chuẩn bị các câu hỏi

    Hãy nhớ rằng, bạn không chỉ ở đó để trả lời câu hỏi mà còn để hỏi nhà tuyển dụng. Trên thực tế, một số người phỏng vấn chú trọng nhiều hơn vào các câu hỏi của bạn hơn là cách bạn trả lời những câu hỏi mà họ đặt ra. Nếu bạn có các câu hỏi thông minh thì sẽ thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn có sự nghiên cứu, nhiệt tình với công việc và muốn được có nhiều thông tin trước khi ra quyết định. Hơn nữa, hầu hết các nhà tuyển dụng sẽ hỏi liệu bạn có câu hỏi nào không vào cuối buổi phỏng vấn, và nếu bạn trông có vẻ ấp úng, đồng nghĩa với việc bạn tự loại mình khỏi “cuộc đua” ngay khoảnh khắc đó.

    Bình luận