Những điều ứng viên nên chủ động đặt câu hỏi khi phỏng vấn, đảm bảo sẽ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng

Đăng ngày: 13/05/2020 Lượt xem: 828

Nội dung bài viết Ẩn/Hiện

    Chìa khóa để thực hiện một cuộc phỏng vấn xin việc thành công không chỉ là đưa ra câu trả lời đúng, mà bạn cũng cần phải có những câu hỏi thông minh và ấn tượng dành cho nhà tuyển dụng.

    Ứng viên nên hỏi gì trong buổi phỏng vấn?

    Trong một cuộc phỏng vấn xin việc, khi nhà tuyển dụng đặt đâu hỏi rằng "Bạn có câu hỏi gì không?" thì nghĩa là phỏng vấn đã sắp kết thúc. Nhiều ứng viên sẽ bối rối vì không biết nên hỏi lại những gì hoặc chỉ muốn nhanh chóng rời khỏi phòng phỏng vấn, nhưng đó là cơ hội để bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
    Việc ứng viên đặt câu hỏi sẽ cho người phỏng vấn thấy rằng bạn đang lắng nghe khi họ nói chuyện, thể hiện sự quan tâm của bạn đến vị trí ứng tuyển và công ty. Về phần mình, thông qua đáp án mà nhà tuyển dụng đưa ra, bạn cũng sẽ có thêm thông tin để quyết định xem đó có phải là nơi bạn muốn làm việc hay không. Vì vậy, đi phỏng vấn, đừng chỉ ngồi nghe và trả lời câu hỏi của người phỏng vấn mà bạn cần đưa ra câu hỏi ngược lại cho nhà tuyển dụng. Những ai chưa biết hỏi gì trong buổi phỏng vấn thì có thể tham khảo bài viết sau.

    Khi đi phỏng vấn, đừng chỉ ngồi nghe và trả lời câu hỏi của người phỏng vấn mà bạn cần đưa ra câu hỏi ngược lại cho nhà tuyển dụng

    1. Lý do ứng viên nên hỏi nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn

    Xét cho cùng, các cuộc phỏng vấn là một con đường hai chiều, nhà tuyển dụng đánh giá xem bạn có phải ứng viên phù hợp với vị trí họ cần tuyển không, trong khi bạn muốn xác định xem bản thân có muốn dành thời gian và sức lực để cống hiến cho doanh nghiệp đó không.

    Cơ hội của bạn để đặt câu hỏi thường đến vào cuối cuộc phỏng vấn. Các chuyên gia tuyển dụng khuyên rằng bạn nên chuẩn bị ít nhất 2 câu hỏi để thể hiện sự quan tâm đối với vị trí ứng tuyển. Vậy, bạn nên đặt câu hỏi gì trong cuộc phỏng vấn xin việc?

    Hãy nhớ rằng những câu hỏi phù hợp nhất để hỏi là câu hỏi mở. Bạn cũng cần tránh đặt câu hỏi với đáp án "có" hoặc "không" và không đề cập đến những nội dung chung chung, quá rộng tới mức khó trả lời. Rõ ràng, bạn sẽ không muốn người phỏng vấn khó chịu khi bạn đang cố gắng tạo ấn tượng tốt và phát triển mối quan hệ với họ.

    2. Một số câu mà bạn có thể hỏi trong cuộc phỏng vấn của mình

    Câu 1. Anh/chị có thể cho tôi biết thêm về nhiệm vụ hàng ngày của vị trí này hay không?

    Đây là cơ hội để bạn tìm hiểu càng nhiều càng tốt về công việc mà bạn ứng tuyển, từ đó quyết định xem đó có phải vị trí bạn thực sự mong muốn không. Bằng cách tìm hiểu thêm về các nhiệm vụ hàng ngày, bạn cũng sẽ tự đánh giá được những kỹ năng và thế mạnh cụ thể cần thiết, sau đó so sánh với những gì bạn đã trình bày trong cuộc phỏng vấn.

    Câu 2. Đối với anh/chị, phẩm chất nào của ứng viên là quan trọng nhất với vị trí công việc này?

    Câu hỏi này thường nhằm tìm kiếm thông tin giá trị không được đề cập trong bản mô tả công việc. Nó có thể giúp bạn tìm hiểu về văn hóa công ty và kỳ vọng của nhà tuyển dụng.

    Câu 3. Các bước tiếp theo trong quá trình phỏng vấn là gì?

    Câu hỏi này cho thấy rằng bạn rất mong muốn được nhận vào vị trí ứng tuyển và biết rõ về quá trình tuyển dụng. Nó cũng sẽ giúp bạn có được thông tin quan trọng về dòng thời gian tuyển dụng để bạn có thể theo dõi một cách thích hợp, từ đó quyết định chờ đợi hay tìm kiếm cơ hội việc làm khác.

    Câu 4. Anh/chị có thể mô tả ngắn gọn về văn hóa công ty không?

    Văn hoá công ty sẽ giúp bạn nhìn nhận xem mình có phù hợp hay không? Hãy chắc chắn rằng bạn cảm thấy thoải mái với văn hóa và sự năng động của công ty.

    Câu 5. Anh/chị đánh giá rằng công ty mình sẽ lớn mạnh như thế nào trong vòng 5 năm tới?

    Nếu bạn có kế hoạch làm việc trong công ty đó vài năm, hãy chắc chắn rằng công ty đang phát triển nhanh và ổn định, để đảm bảo rằng bạn có thể học hỏi và tiến bộ cùng với công ty.

    Câu 6. Công ty coi doanh nghiệp nào là đối thủ cạnh tranh hàng đầu, và tại sao?

    Trước khi tham dự phỏng vấn, có thể bạn đã tìm hiểu về công ty, các "ông lớn" trong ngành nghề đó, nhưng hỏi trực tiếp người phỏng vấn vẫn là ý tưởng hữu ích để đánh giá chính xác hơn.

    Câu 7. Những cơ hội lớn nhất đối với công ty/bộ phận là gì?

    Câu hỏi này cho thấy nỗ lực của bạn để nắm bắt cơ hội công việc, biết đặt nỗ lực vào đúng chỗ và tìm hiểu thêm về lĩnh vực mà công ty sẽ tập trung trong vài tháng tới.


    Câu 8. Hiện nay, đâu là những thách thức lớn nhất đối với công ty/bộ phận?

    Bên cạnh cơ hội, bạn có thể muốn hỏi về những thách thức. Câu hỏi này có thể giúp bạn khám phá các xu hướng và vấn đề trong ngành.

    Câu 9. Anh/chị thích điều gì nhất khi làm việc cho công ty?

    Đây là câu hỏi cá nhân, vì vậy bạn chỉ nên đề cập tới khi không khí của buổi phỏng vấn tương đối cởi mở, thân thiện. Đáp án họ đưa ra sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa công ty.

    Câu 10. Thông thường, lộ trình thăng tiến cho vị trí này như thế nào?

    Câu hỏi này có thể giúp bạn tìm hiểu xem công ty có thúc đẩy nhân viên phát triển hay không thông qua các chương trình đào tạo và lộ trình thăng tiến cụ thể. Ngoài ra, bằng cách đặt câu hỏi, bạn còn thể hiện được sự quan tâm của mình đối với việc phát triển của tổ chức.

    Để có những câu hỏi thông minh cho nhà tuyển dụng khi gần kết thúc buổi phỏng vấn thì bạn cần phải tìm hiểu thông tin về công ty. Với những ai chưa biết cách tìm hiểu về công ty trước khi đi phỏng vấn thì có thể tham khảo bài viết mà NTTU chia sẻ. Ngoài tra cứu thông tin trên Google thì vẫn còn nhiều cách khác tiện lợi cho ứng viên tìm hiểu thông tin về công ty chi tiết.