Những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao hậu Covid-19: Hiểu thị trường sẽ giúp bạn tránh được cảnh thất nghiệp dài dài
Những ngày đầu năm 2020, thế giới chứng kiến một giai đoạn buồn của nền kinh tế khi các thành phố lớn bị phong tỏa, nhiều ngành nghề buộc phải đóng cửa. Người lao động thì nín thở, chờ đợi xem liệu họ có phải là người kế tiếp phải tạm nghỉ, thậm chí mất luôn công việc hiện tại khi một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp lần lượt tuyên bố phá sản.
Tuy nhiên, với việc đất nước đang dần bước vào giai đoạn hết dịch Covid-19 thì chúng ta đang trong trạng thái chuẩn bị bước vào việc "reset" lại hiệu quả công việc. Những tác động của việc tái thiết lập này sẽ được cảm nhận và dần đặt ra cho mỗi người câu hỏi: Những gì cần thay đổi và những gì cần nắm bắt theo thời đại?
Một số người sẽ xem đây là thời điểm tuyệt vời để "nhảy" việc nhưng một số có thể bắt đầu nghĩ đến việc kinh doanh riêng. Song, dù làm ở bất cứ vị trí nào thì việc nắm bắt các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao hậu mùa dịch sẽ giúp bạn bớt đi rất nhiều rủi ro không đáng có, đồng thời thu hẹp lại con đường cạnh tranh.
Cũng nên nhớ rằng ở thời điểm này, nếu bạn đang tìm kiếm công việc mới thì việc đảm bảo an toàn vẫn phải được đặt lên trên hết. Tái cơ cấu nền kinh tế mà vẫn giữ được sự an toàn, đảm bảo hiệu suất sẽ giúp chúng ta cùng nhau thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ. Vậy nên hãy thủ sẵn những vật dụng chống dịch và đừng quên thực hiện giãn cách bảo vệ bản thân nhé!
Vậy trong thời điểm hậu Covid-19, đây là những ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất.
1. Thương mại điện tử
Theo ghi nhận của Navigos Search, thương mại điện tử là một trong những ngành chịu ít tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, đặc biệt là những ngành hàng thiết yếu lại phát triển mạnh vì giải quyết được việc hạn chế gặp gỡ và thanh toán trực tiếp. Bên cạnh đó, nó không chỉ là xu hướng tiêu dùng hiện tại mà còn thu hút được vốn đầu tư rất nhiều từ nước ngoài.
Bằng chứng là Amazon - ông hoàng thương mại điện tử, liên tiếp tuyển dụng thêm người nhằm đáp ứng nhu cầu tăng đột biến với các đơn hàng trực tuyến và vận chuyển. Một số vị trí hot trong ngành như chuyên viên phát triển kinh doanh, tiếp thị kỹ thuật số và vị trí nhân viên kỹ thuật chuyên sâu.
Ở Việt Nam, đây là ngành tương đối mới nên nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương cao cho ứng viên đã có kinh nghiệm. Theo dự đoán của Navigos Search, ngành này sẽ còn nhận được nhiều đầu tư trong năm 2020 và sẽ duy trì mức lương cao hơn các lĩnh vực kinh doanh truyền thống trong thời gian từ 3-5 năm tới.
2. Du lịch - Khách sạn
Trong đại dịch Covid-19, ngành kinh tế này đã ghi nhận sự lao dốc chóng vánh từ hàng triệu khách du lịch xuống con số 0 tròn trĩnh. Tuy nhiên, thời gian cách ly xã hội lại càng khiến nhiều người thêm "cuồng chân" và mong muốn được sớm đi lại nhiều nơi hơn. Bằng chứng là trong kỳ nghỉ dịch 30/4 - 1/5 đã chứng kiến sự đổ xô hàng loạt khách về các điểm du lịch lớn nhỏ.
Đặc biệt, đất nước ta sẽ có ngành du lịch phục hồi nhanh chóng hơn vì đã được kiểm chứng ngăn chặn virus lây lan thành công. Chính cách xử lý đặt sức khỏe lên trên hàng đầu đã khiến Việt Nam trở thành một trong những điểm du lịch an toàn và được yêu thích hơn cả so với các quốc gia khác.
3. Chăm sóc sức khỏe
Giống như bệnh dịch hạch đã mở ra một kỷ nguyên mới cải cách lao động và cải tiến y học thời trung cổ thì Covid-19 sẽ tạo nên một cuộc cách mạng to lớn với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Nhờ hiệu ứng dịch bệnh, nhất trong giai đoạn chưa chế tạo ra vắc xin triệt để, người dân sẽ có xu hướng quan tâm sức khỏe nhiều hơn.
Trang thông tin tuyển dụng Glassdoor cho biết nhu cầu tuyển dụng các nhà khoa học và chuyên gia phân tích số liệu cũng có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu sản xuất các thiết bị y tế cần thiết như khẩu trang, mũ chống giọt bắn... cũng cần đáp ứng lớn trong bối cảnh các nước phát triển vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
4. Bất động sản công nghiệp
Theo ghi nhận của Navigos Search, ngành bất động sản công nghiệp ở Việt Nam đang dần được quan tâm từ quý II năm 2019 và có dấu hiệu chững lại khi dịch Covid-19 hoành hành. Tuy vậy, với việc nước ta nhanh chóng kiểm soát dịch thì ngành này nhất định sẽ lại tiếp tục tăng trưởng từ Bắc đến Nam.
Do đó, nhu cầu tuyển dụng các vị trí cấp cao sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, đáng chú ý như giám đốc kinh doanh (Leasing Director), chuyên gia bất động sản, nhân viên tư vấn chiến lược... để sớm đưa các dự án quay trở lại hoạt động.
5. Dịch vụ vận chuyển
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến giờ, các ông chủ ngành buôn bán luôn hối hả bù đắp lượng thiếu hụt nhân viên do nhu cầu tăng đột biến. Và cũng nhờ chính đại dịch đã kích thích ngành nghề này phát triển nhanh mạnh hơn và giúp người dân nhận ra những tiện ích nổi trội của hình thức giao hàng này.
Ở Việt Nam, các công ty chuyển phát như Ahamove, Grab, Bee, GHTK, Giaohangnhanh... cũng có nhu cầu tuyển dụng cao bất chấp các ngành nghề khác đều phải cắt giảm nhân sự nghiêm trọng.
Kết
Thực tế, đại dịch Covid-19 là "phép thử" và là cơ hội có 1-0-2 trong lịch sử, chia đều cho tất cả mọi người để có thể chững lại suy ngẫm và đưa ra những ý tưởng mới. Có những ngành nghề vẫn đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đe dọa soán ngôi hay xóa sổ các ngành công nghiệp cũ kỹ.
Khi nhiều người trẻ dần trở nên thất nghiệp, họ có nhiều thời gian suy ngẫm hoặc tiến lên hoặc để bản thân tụt lùi và sợ hãi nhìn đại dịch đi qua. Khi bản thân phải ở trong cơ chế sinh tồn thì điều quan trọng nhất là phải học cách thích nghi, tự rèn luyện mình và biến kỹ năng xử lý công việc trở nên linh hoạt.
Đây là lúc thể hiện ra những điều bạn đã tích lũy được trong mùa dịch và có cái nhìn linh hoạt hơn với các ngành nghề. Ứng biến với mọi tình huống trong cuộc sống hẳn nhiên không phải thứ dễ dạy và cũng dễ học nhưng chắc chắn nó là thứ mà mọi nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên hơn ở các ứng viên trong tương lai.