Bạn đã chuẩn bị những gì để khởi đầu cho con đường sự nghiệp sắp tới? Hãy trang bị cho mình những kỹ năng xin việc cần thiết, một kế hoạch cụ thể với các mục tiêu cá nhân với sự đam mê nhiệt huyết trong công việc mơ ước. Bên cạnh đó, hãy tìm kiếm bổ sung và cải thiện hơn những kĩ năng còn thiếu sẽ giúp cho bạn nhận được sự ủng hộ của nhà tuyển dụng và tìm được một công việc tuyệt vời, mơ ước.
Ban nên ghi nhớ: Một doanh nghiệp công ty chưa bao giờ là nơi sẵn sàng thu nhận bạn chỉ bởi những lí do cá nhân như cuộc sống bế tắc, hay khó khăn trăm bề. Nhà tuyển dụng không bao giờ mong muốn họ trở thành nhà hảo tâm luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn với những lí do trên.
Vậy làm thế nào để bạn sẽ có được công việc bạn đam mê, chứ không phải chấp nhận bất cứ công việc nào bạn tìm được? Dưới đây là những thông tin hữu ích cho bạn:
1. Học và chuyên sâu vào chuyên ngành
Bạn là sinh viên nên công việc học hành phải được đặt lên hàng đầu. Để thành công trong tương lai, bạn cần phải học hành chăm chỉ, chịu khó tìm hiểu về chuyên ngành mình theo. Học tốt chuyên ngành không chỉ giúp bạn có được kết quả cao trong học tập mà còn giúp bạn nắm vững kiến thức và tự tin hơn khi xin việc trong tương lai.
Ảnh: Minh họa (Nguồn: NTTU)
2. Theo dõi những tiến triển trong ngành nghề tương lai
Bạn cần phải quyết định lựa chọn công việc phù hợp với bạn và bạn sẽ theo đuổi trong tương lai. Bằng cách này, bạn sẽ hiểu biết hơn về những xu hướng và sự phát triển trong ngành nghề của bạn. Tìm hiểu các thuật ngữ, lịch sử và những thăng trầm trong lĩnh vực mà bạn sẽ theo đuổi.
Ngoài ra, để cập nhật tin tức thường xuyên hơn, bạn có thể nói chuyện với những người quen trong lĩnh vực này hoặc tham gia các khoá học và hoạt động ngoại khoá liên quan đến công việc trong tương lai. Những thông tin mà bạn biết sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình tìm việc trong tương lai của bạn. Chính những thông tin này sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng và trở thành một ứng viên sáng giá.
Ảnh: Minh họa (Nguồn: NTTU)
3. Xây dựng và duy trì mạng lưới xã hội
Những mối quan hệ của bạn có thể giúp bạn biết thêm nhiều thông tin nghề nghiệp hữu ích và giúp quá trình tìm việc của bạn dễ dàng hơn rất nhiều. Mạng lưới xã hội của bạn chính là những người bạn cùng lớp, cùng khoa và cùng trường. Ngoài ra, để có thêm nhiều mối quan hệ, hãy tham gia các tổ chức tình nguyện, tổ chức nghề nghiệp cho dù bạn còn là sinh viên. Hãy thiết lập một bản danh sách liên hệ của cá nhân và tổ chức có thể mang lại những lợi ích trong việc tìm kiếm công việc sau này của bạn.
Ảnh: Minh họa (Nguồn: NTTU)
4. Xây dựng và duy trì mạng lưới ở khoa
Thiết lập các mối quan hệ với giảng viên của khoa, những giáo sư hàng đầu trong chuyên ngành của bạn mang lại rất nhiều lợi ích cho công việc của bạn sau này. Với những kinh nghiệm chuyên gia lâu năm, những giáo sư trong khoa có thể đưa ra những ý kiến tham khảo tư vấn cho bạn những điều cần thiết để phát triển tốt hơn trong lĩnh vực, định hướng trong tương lai…
Ảnh: Minh họa (Nguồn: NTTU)
5. Tận dụng mối quan hệ thân thiết giữa nhà trường và Doanh nghiệp
Tạo dựng mối quan hệ và có các buổi phỏng vấn những người chủ doanh nghiệp tiềm năng ở địa phương là cơ hội tốt để đặt nền móng cho công việc tương lai của bạn. Hãy đến gặp thầy/ cô trưởng khoa để xin thông tin về doanh nghiệp mà bạn quan tâm và xin lời khuyên của thầy /cô. Ngoài ra, bạn nên tham dự các hội chợ việc làm được tổ chức tại trường đại học.
Ngày hội việc làm thường niên được tổ chức tại NTTU. Ảnh: Minh họa (Nguồn: NTTU)
Ăn mặc chỉnh tề và luôn sẵn sàng thể hiện bản thân. Hãy hỏi các nhà tuyển dụng ở hội chợ việc làm những câu hỏi thông minh, sắc bén. Rèn luyện những kỹ năng phỏng vấn. Thậm chí bạn có thể gửi resume của bạn cho công ty ở hội chợ việc làm mà bạn quan tâm. Mặc dù bạn là sinh viên nhưng những hành động đó của bạn để lại ấn tượng rất sâu sắc đối với đại diện của công ty. Biết đâu trong tương lai gần, họ sẽ tìm đến bạn.
6. Bắt đầu làm resume
Resume là công cụ marketing bản thân hiệu quả. Vì vậy, hãy bắt đầu chuẩn bị làm resume của bạn từ sớm. Hãy nhớ rằng resume của bạn không chỉ là danh sách những kinh nghiệm, giải thưởng, thành tích của bạn mà điều quan trọng nhất trong resume đó là bạn phải biết cách “quảng cáo” những lợi ích mà bạn sẽ mang lại cho công ty. Nếu bạn tham gia vào các hoạt động ngoại khoá khi còn là sinh viên, bạn nên đưa chúng vào trong resume.
Ảnh: Minh họa (Nguồn: Internet)
Hơn nữa, vì khi ra trường, bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc nên bạn có thể đưa thông tin về những ý tưởng đóng góp của bạn đối với nhà trường, các khoá học hoặc các dự án mà bạn tham gia khi còn trên ghế nhà trường... Hãy phác thảo ra một bản resume của bạn ngay khi có thể. Bằng cách này bạn có thể sẵn sàng cho tương lai. Ngoài ra, bạn sẽ có thêm nhiều thời gian để hoàn thiện resume của mình.
Theo VietNamNet