Hội thảo thu hút đông đảo chuyên gia, đại diện Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM, các trường tại TP.HCM và các tỉnh, thành.
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các Nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tăng cường sự gắn kết đào tạo giữa Nhà trường và Doanh nghiệp, thúc đẩy sự đổi mới, lan tỏa tri thức giúp Nhà trường có những định hướng trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển, nâng cao năng lực và vị thế của Nhà trường và Doanh nghiệp.
Hội thảo có sự tham dự của TS. Lê Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM; ThS. Hồ Thị Thuỷ, Trưởng phòng Phòng tuyên truyền Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM; NGƯT. ThS Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM; đại diện các trường đại học, cao đẳng và các nhà khoa học, cán bộ quản lý, chuyên gia và đội ngũ nhà giáo từ 10 tỉnh thành trên cả nước.
Đẩy mạnh hợp tác với các Doanh nghiệp đang là xu hướng của nhiều cơ sở giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc hợp tác với doanh nghiệp vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Phát biểu tại hội thảo, TS. Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết: “Hiện tại TP.HCM có khoảng 55 trường đại học và 35 trường cao đẳng nghề. Mặc dù số lượng các cơ sở đào tạo này khá lớn, nhưng sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế.”
TS. Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM
ThS. Trần Văn Tú, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM bảy tỏ tại hội thảo: “Việc nâng cao hiệu quả gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là việc cần thiết và cấp bách của công tác đào tạo nhân lực để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của kinh tế, xã hội của TP.HCM nói riêng và của đất nước nói chung” ThS. Trần Văn Tú mong rằng những ý kiến quý báu, sắc sảo và có hiệu quả ngày hôm nay của các đại biểu sẽ góp phần nâng cao hiệu quả gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
ThS. Trần Văn Tú, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM
Đồng quan điểm, ThS. Võ Văn Nhanh, Giám đốc Khách sạn Majestic bày tỏ kỳ vọng hội thảo sẽ đưa ra những giải pháp để thúc đẩy sự gắn kết hơn giữa nhà trường và doanh nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội.
Chủ đề Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều đơn vị, cá nhân và nhận được 64 báo cáo khoa học của các nhà khoa học, cán bộ quản lý, chuyên gia và đội ngũ nhà giáo từ 10 tỉnh thành trên cả nước. Các báo cáo khoa học đã được tổng hợp, rà soát nội dung, thực hiện phản biện khoa học độc lập, đảm bảo đầy đủ các quy định, đưa ra các giải pháp hữu ích theo đúng chủ đề hội thảo đặt ra và được biên tập thành quyển Kỷ yếu hội thảo có chỉ số ISBN.
Theo đó, Ban tổ chức đã xem xét lựa chọn 5 báo cáo khoa học nổi bật để trình bày tại Hội thảo, trong đó có báo cáo của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành với chủ đề: Một số kinh nghiệm trong hoạt động gắn kết giữa Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và doanh nghiệp. Nhóm tác giả: TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Nguyễn Thanh Phương – Trưởng Phòng Quan hệ Doanh nghiệp và Việc làm sinh viên (QHDN-VLSV), Bà Trương Ngọc Phương Kiều – Tổ trưởng Phòng QHDN-VLSV. Đại diện cho Nhóm tác giả, tại Hội thảo TS. Nguyễn Thanh Phương đã trình bày cụ thể về thực tiễn hoạt động quan hệ doanh nghiệp tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, một số khó khăn thách thức gặp phải và những giải pháp, hoạt động hợp tác với Doanh nghiệp cụ thể đã được Nhà trường thực hiện. Theo đó là các kiến nghị, đề xuất để nâng cao hoạt động gắn kết doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
TS. Nguyễn Thanh Phương – Trưởng Phòng QHDN-VLSV NTTU trình bày tham luận “Một số kinh nghiệm trong hoạt động gắn kết giữa Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và doanh nghiệp”
Một số báo cáo nổi bật khác được trình bày tại Hội thảo: (1) Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả mối gắn kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp tại TP.HCM – TS. Đỗ Thanh Vân; (2) Giải pháp tăng cường sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở GDNN – Bà Lê Thị Thúy Tiên; (3) Quản lý liên kết đào tạo giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số – PGS. TS. Phạm Văn Thuần, TS. Nguyễn Đặng An Long; (4) Nâng cao hiệu quả gắn kết đào tạo tại HCE trong kỷ nguyên số – ThS. Nguyễn Thị Trúc Phương, ThS. Nguyễn Hồng Hải.
Qua phần trình bày các báo cáo, Hội thảo đã nhận được nhiều đóng góp ý kiến trực tiếp để làm sâu sắc thêm những vấn đề theo đúng mục tiêu đã đề ra. Tin rằng những kiến nghị cụ thể tại Hội thảo sẽ giúp các đơn vị xây dựng được mô hình hợp tác phù hợp, để nâng cao hiệu quả trong quá trình hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp với các Doanh nghiệp trong tương lai
Nguồn: Phòng QHDN&VLSV
Ảnh: Media