Tết Nguyên Đán sắp đến cũng là lúc nhu cầu tìm việc của các bạn sinh viên tăng cao. Lợi dụng tình hình đó, các đối tượng đã lợi dụng để dẫn dụ, lừa đảo thông qua kênh việc làm. Hãy cùng phòng Quan Hệ Doanh Nghiệp tìm hiểu các hình thức lừa đảo ấy nhé.
Vẫn là "việc nhẹ, lương cao"
Ngọc Anh (19 tuổi), sinh viên năm 2, đã "dính" cú lừa đầu tiên khi kiếm việc làm thêm. Tìm trên Facebook thấy mẩu rao tuyển bán hàng theo ca tại một siêu thị tiện lợi, mức lương 3,9 - 9 triệu đồng/tháng, không cần bằng cấp, cô liên lạc ngay với số điện thoại được cho và họ chỉ dẫn đến đường số 13, phường Phong Phú, Bình Chánh để phỏng vấn.
"Họ đưa đơn điền thông tin và yêu cầu đóng phí thế chân đồng phục, mở thẻ ATM với khoản tiền 500.000 đồng, sau đó hứa sẽ gọi đi làm trong 2-3 ngày tới. Nhưng chờ hơn một tuần vẫn không thấy gọi điện" - cô kể lại. Sau khi gọi vào số điện thoại cũ của người tuyển dụng thì máy "ò...í...e". Ngọc Anh lên mạng tìm thêm thông tin mới phát hiện nhiều mẩu đăng tuyển tương tự đã hết hạn với rất nhiều số điện thoại liên lạc khác nhau.
Rất nhiều tin tuyển dụng công việc đơn giản nhưng mức lương rất cao
"Sau này tôi mới biết trên các fanpage chính thức của siêu thị đã đăng thông tin cảnh báo lừa đảo tìm việc làm siêu thị có thu phí" - Ngọc Anh chia sẻ.
N.C.Công (21 tuổi), sinh viên năm cuối tại TP.HCM, lại liên hệ ứng tuyển việc làm theo ca ở một siêu thị tại Gò Vấp với mức phí 550.000 đồng. Sau buổi phỏng vấn, Công được hẹn đến siêu thị để nhận việc. Ngày hẹn, anh đến siêu thị gọi vào số điện thoại trước đó thì được giới thiệu gặp một người khác để nhận đồng phục.
"Đến khi gặp người này họ lại bảo công việc bán hàng mà tôi ứng tuyển đã đủ người nên chuyển tôi sang làm bảo vệ theo ca. Tôi không đồng ý và đòi lại tiền thì họ yêu cầu gọi cho người tuyển dụng để lấy lại. Khi gọi người tuyển dụng, tiếp tục bị hẹn lần hẹn lữa" - Công bức xúc kể.
"Dụ" bán hàng đa cấp
Không lừa đóng phí nhưng rất nhiều mẩu tuyển dụng thực tập sinh ngành kế toán, nhân viên nhập liệu, cộng tác viên bán hàng... trôi nổi trên mạng nhằm đưa sinh viên, người trẻ đến các công ty bán hàng đa cấp, sau đó tìm cách thuyết phục họ chuyển qua kinh doanh bán hàng với số tiền ban đầu từ 8-10 triệu đồng.
Từ thông tin tuyển cộng tác viên bán hàng, T.N.Tr., sinh viên năm cuối Đại học Tài chính - marketing (TP.HCM), đã tìm đến một văn phòng ở Tân Bình để phỏng vấn.
"Đây là công ty bán mỹ phẩm, nước hoa. Họ đưa tôi đi thăm showroom rất hoành tráng, đồng thời còn liên tục giới thiệu rằng khách hàng là những nghệ sĩ nổi tiếng; sáng lập công ty là một nhà báo nổi tiếng, cho tôi xem fanpage để tạo lòng tin" - Tr. nhớ lại.
Tuy nhiên khi được thuyết phục đóng 8 triệu đồng để mua hàng thì Tr. bắt đầu nhận ra đây là công ty đa cấp. "Họ cũng giới thiệu tôi đến tham dự buổi nói chuyện về bí quyết thành công. Tôi tìm thử thông tin trên mạng về công ty thì biết không có bất kỳ cái tên nào như vậy cả. Nhưng vì đã nhiều lần đọc được thông tin về lừa đảo đa cấp và nhận những cảnh báo liên quan nên tôi một mực từ chối và đi về" - Tr. kể.
Rất nhiều bạn sinh viên bị đi bán sản phẩm, tham gia hội thảo bán hàng.
Nhiều bạn trẻ còn bị tiếp cận bởi các tin nhắn trên Facebook vờ đang làm khảo sát liên quan đến sinh viên. Mai Ngọc, sinh viên ngành quản trị - kinh doanh, đã nhận được tin nhắn chờ của một tài khoản tên Trường Giang với lời chào mời đang làm mảng marketing online của một công ty "Giới trẻ làm gì trong thời gian rảnh?", Giang ngỏ ý mời Ngọc tham gia khảo sát.
"Sinh viên cũng hay được bạn bè mời làm khảo sát nên chẳng ngần ngại gì. Mở trang cá nhân của người này thì thấy rất nhiều hình ảnh làm việc, chụp hoạt động công ty..." - Ngọc chia sẻ.
Sau rất nhiều câu hỏi về việc sử dụng thời gian và thói quen giải trí, người này hỏi Ngọc "nếu có môi trường phát triển kỹ năng để sau này ra trường không phải đào tạo lại, em có quan tâm không?". Khi Ngọc trả lời có, Giang tiếp tục gửi hình ảnh nhóm bạn trẻ trên bãi biển và giới thiệu đây là những sinh viên trong cộng đồng của Giang. Đồng thời hẹn Ngọc buổi gặp online 30 phút qua ứng dụng Zoom để trao đổi cụ thể.
Ở buổi nói chuyện đó, Ngọc được giới thiệu về công việc kinh doanh bán hàng mà thực chất là kinh doanh đa cấp. Những người tuyển dụng như Giang có thể là một người đang xây dựng cộng đồng gen Y để phát triển kỹ năng và dự án, làm khảo sát để lên ý tưởng cho một chương trình phát triển tài năng trẻ... Hoặc làm quản lý dự án của một tổ chức quốc tế, khảo sát về kinh doanh online.
Mục tiêu cuối cùng vẫn là dẫn dụ các bạn trẻ tham gia vào nhóm bán hàng đa cấp của họ.
Nguồn tham khảo: tuoitre.vn