Sinh viên IT cần những kỹ năng mềm gì trong thời kỳ chuyển đổi số

Đăng ngày: 15/06/2022 Lượt xem: 1482

Nội dung bài viết Ẩn/Hiện

    ​​​​​​​Trong thời kỳ chuyển đổi số, sinh viên IT hiện tại chính là nhân lực CNTT trong tương lai. Chính vì thế cần trang bị đầy đủ kỹ năng để thích ứng với thời đại. Hầu hết mọi người nghĩ rằng với nghề công nghệ thông tin (CNTT), các kỹ năng như giải quyết vấn đề, giao tiếp và thuyết trình là không cần thiết thì trên thực tế đó là những kỹ năng phải có cho một người làm CNTT thành công. Thuần thục các kỹ năng với máy tính và xử lý lỗi là một phần thiết yếu của một người làm việc trong lĩnh vực CNTT, nhưng nếu nghĩ như vậy là đủ thì bạn khó có thể tiến xa. Dưới đây là những kỹ năng mềm bạn nên luyện tập để trở thành một người chuyên nghiệp.

    Nếu nói kỹ năng, kiến thức chuyên môn là cốt lõi để làm việc trong ngành CNTT thì 'kỹ năng mềm' chính là yếu tố 'bản lề' đòn bẩy để thăng tiến trong bất cứ ngành nghề nào, kể cả ngành CNTT. Là dân IT, việc thành thạo các kỹ năng với máy tính và xử lý lỗi là yêu cầu bắt buộc phải có. Tuy nhiên, nếu chỉ đáp ứng được 2 điều trên thì thật khó khăn để bạn hòa nhập với doanh nghiệp và tiến xa hơn trong sự nghiệp!

    Bởi lẽ, để trở thành một người thực sự chuyên nghiệp bạn phải trau dồi thêm cả kỹ năng mềm để làm việc cùng đồng nghiệp và đội nhóm. Bạn đang thắc mắc tại sao ư? Vì: Muốn đi nhanh hãy đi một mình, nhưng muốn đi xa chắc chắn phải đi cùng đội nhóm! 

    I. Các kỹ năng cần có 

    1. Xử lý sự cố
    Khi bạn chịu trách nhiệm về những vấn đề như máy tính, mạng, phần mềm hoặc website, điều tối quan trọng là bạn phải biết cách xử lý các sự cố. Điều này có nghĩa là bạn phải biết cách phát hiện ra vấn đề cũng như phát triển các giải pháp một cách nhanh chóng. Kỹ năng xử lý sự cố không chỉ có nghĩa là “phản ứng lại” mà còn phải là “chủ động”. Ví dụ, nếu một nhóm CNTT phát hiện ra một lỗ hổng an ninh trong công ty, họ phải biết cách tiến hành xử lý vấn đề cũng như nâng câp hệ thống để phòng ngừa các nguy cơ an ninh chứ không chỉ chờ đến lúc công ty bị hack mới hành động.

    Chính vì vậy khi có kỹ năng xử lý sự cố bạn sẽ phản ứng và thích ứng được nhanh với công việc đột xuất, chủ động với công việc của mình!

    2. Giao tiếp
    Bất kể công việc, ngành nghề nào cũng đòi hỏi có sự giao tiếp và tương tác! Làm việc trong môi trường CNTT yêu cầu sự giao tiếp và tương tác gần như ngay tức thời. Bất cứ khi nào sự cố máy tính xảy ra, hoặc khi bạn quản lý một nhóm, bạn phải biết làm thế nào để tương tác và giao tiếp tốt với những người khác dù ở bất cứ cấp nào. Bạn cần biết cách trình bày và giải thích vấn đề rõ ràng, cùng những người khác tìm ra và thực hiện giải pháp, giao nhiệm vụ cho cả nhóm một cách hiệu quả. Bạn không thể nói rằng công việc của tôi là giao tiếp với máy tính, nên đâu cần chú trọng về việc giao tiếp cùng người khác. Cực kỳ sai lầm, bởi lẽ dù bạn đang làm gì đi chăng nữa, bạn cũng cần biết cách giao tiếp, trình bày, giải thích, phản biện vấn đề, tương tác cùng đồng nghiệp để tìm ra hướng đi xử lý công việc.

    Kỹ năng giao tiếp cực kỳ quan trọng

    Ngoài ra kỹ năng giao tiếp không chỉ bổ trợ trong công việc của dân IT, mà còn bổ trợ cho cuộc sống, bên ngoài các mối quan hệ. Đừng chủ quan không chú trọng việc giao tiếp bạn nhé!
    3. Khả năng dịch thuật ngữ chuyên ngành
    Việc học thuật ngữ chuyên ngành là điều cực kỳ cần thiết để bạn có thể hiểu được ngôn ngữ máy tính, hầu hết các ngôn ngữ Lập trình đều dùng tiếng Anh. Hơn nữa, các công nghệ, ngôn ngữ, thuật toán mới cũng hoàn toàn bằng tiếng Anh, nếu bạn yếu kỹ năng dịch thuật thì sẽ khó mở mang được kiến thức mới và tiến xa trong ngành nghề của mình!

    Khi làm việc trong lĩnh vực công nghệ, bạn sẽ bắt gặp nhiều thuật ngữ chuyên cho lĩnh vực mà bạn làm, thường thì những người ngoài ngành không thể hiểu được. Đó là lý do vì sao các kỹ sư CNTT chuyên nghiệp cần phải có kỹ năng giải thích các vấn đề phức tạp cho những người chỉ có một chút hoặc không hề biết gì về lĩnh vực CNTT. Nếu máy tính của một nhân viên bị lag vì anh này không có đủ RAM, người kỹ sư phải biết cách giải thích các vấn đề này để bất cứ ai cũng có thể hiểu được.


    4. Làm việc nhóm
    Để có một sự nghiệp thành công trong mảng CNTT, bạn phải biết cách làm việc với nhiều người. Dĩ nhiên, cũng có những dự án mà bạn đóng vai trò duy nhất từ đầu đến cuối, thế nhưng hầu hết các dự án đều cần sự hợp tác chặt chẽ của nhiều kỹ sư. Là một thành viên của nhóm CNTT, bạn cần biết cách lắng nghe người khác, nhận chỉ trích và hướng dẫn cũng như chịu trách nhiệm thực hiện mọi thứ một cách đúng đắn và đúng hẹn.

    Kỹ năng sống còn của các Lập trình viên

    Trong ngành CNTT, nhất là liên quan đến phần mềm, ứng dụng, bạn sẽ được làm việc theo dự án, mỗi dự án có thể là một nhóm, một team hoàn toàn khác nhau, bạn không có quyền lựa chọn người làm cùng mình, nhưng bạn có thể chọn cách làm việc ăn ý cùng tất cả mọi người!

    5. Thuyết trình
    Làm việc trong lĩnh vực CNTT yêu cầu bạn phải có khả năng thuyết trình thoải mái và tự tin trước đám đông. Tự tin để thuyết trình trước đám đông là điều mà ITer nào cũng nên trang bị. Không chỉ riêng đối với ngành CNTT mà còn là mọi ngành nghề khác.

    Bất cứ khi nào bạn trình bày sản phẩm của nhóm mình cho một cấp cao hơn, giải thích điều gì đó mới cho mọi người trong bộ phận hoặc trình bày trong một buổi đào tạo, kỹ năng thuyết trình là rất quan trọng với những người chuyên nghiệp. Với tư cách là một người làm CNTT chuyên nghiệp, bạn được kỳ vọng có thể thuyết trình độc lập trong một buổi họp quan trọng mà không gặp phải vấp váp nào.

    Bạn muốn sản phẩm của mình chinh phục được khách hàng? Bạn muốn người ta chú ý đến sản phẩm của mình, bạn muốn họ hiểu sâu hơn?,... Tất cả những điều này phụ thuộc đến 50% khả năng thuyết trình, trình bày của bạn.

    6. Kỹ năng tự nghiên cứu

    Nhiều bạn sinh viên, người làm việc trong lĩnh vực CNTT hiện nay phụ thuộc quá nhiều vào Google, đụng đến bất cứ vấn đề gì đều "Tra Google". Biết tìm kiếm là cần thiết, nhưng quá phụ thuộc lại là điều đáng lo ngại. Nếu một ngày Google biến mất thì bạn sẽ như rắn mất đầu. 

    Kỹ năng tự nghiên cứu

    Vậy làm thế nào để bớt phụ thuộc vào bác Gồ? Chỉ còn cách tự rèn khả năng tự nghiên cứu. Hãy tập thói quen đứng trước một vấn đề, cố gắng suy nghĩ, tư duy để tìm cách giải quyết sâu hơn, tập trung đào sâu vào gốc rễ vấn đề. Bạn sẽ thấy rằng, việc tự nghiên cứu và tìm ra hướng đi sẽ giúp bạn nhớ lâu hơn và tư duy nhanh nhạy hơn rất nhiều!

    7. Kỹ năng chăm sóc khách hàng
    Nghề CNTT yêu cầu bạn phải có khả năng giúp đỡ người khác ở mức cơ bản và đó là lý do vì sao bạn cần có kỹ năng chăm sóc khách hàng. Bạn cần giữ thái độ tích cực khi xử lý một vấn đề nào đó, dù đôi khi nó có kỳ cục và hiển nhiên đến thế nào, phải biết lắng nghe, thể hiện sự quan tâm, thông cảm. Bạn cũng phải biết cách “hạ nhiệt” khi có trục trặc xảy ra trong nhóm của mình.


    8. Kiên nhẫn
    Một phần quan trọng của nghề này đòi hỏi bạn phải giải thích các ý tưởng phức tạp cho người khác, đào tạo những người mới vào nghề hoặc hỗ trợ công nghệ mới cho những người chỉ biết đôi chút về CNTT. Trình bày ý tưởng phức tạp của mình để người khác hiểu thực sự không phải dễ dàng, khi mà ngành CNTT những ý tưởng lại hơi thiên hướng khô khan. Chính vì vậy kỹ năng cũng không kém phần quan trọng cho dân IT chính là sự kiên nhẫn. Những thứ này đều đòi hòi bạn phải hết sức kiên nhẫn và khi bạn đủ kiên nhẫn để luôn bình tĩnh dù trong những trường hợp “ức chế” thế nào, hoặc có thể trả lời đi trả lời lại một câu hỏi mà không nổi cáu thì bạn có hi vọng tiến xa trong ngành. Hãy luôn bình tĩnh, và kiên nhẫn để người khác hiểu ý của mình! 

    Kể cả việc xử lý sự cố cũng vậy, nếu không kiên nhẫn, tìm hướng giải quyết bạn có thể làm mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn. Hoặc nhiều bạn sinh viên, gặp bug thì hầu như nản chí, bỏ cuộc, kêu trời đất là tìm sự trợ giúp từ khắp nơi. Khi bạn luyện được tính kiên nhẫn, nó cũng giúp ích rất nhiều trong cuộc sống, cách đối nhân xử thế của bạn đó!

    II. Đánh giá nhu cầu nhân lực và cơ hội nghề nghiệp dành cho sinh viên IT hiện nay?

    Theo quy hoạch phát triển kinh tế giai đoạn đến 2020 thì Công nghệ thông tin (IT) là một trong những ngành mũi nhọn. Nhất là trong bối cảnh 4.0 - Tiến nhanh tới Chuyển đổi số như hiện nay, ngày càng nhiều công ty công nghệ trong và ngoài nước mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam và hướng ra khu vực, thế giới. Vì vậy, nhân sự ngành công nghệ thông tin hứa hẹn sẽ trở thành nguồn nhân lực then chốt để phát triển lĩnh vực công nghệ trong tương lai.

    Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2020, nhân lực trong lĩnh vực IT mỗi năm tăng 13%. Theo đó, lĩnh vực Công nghệ thông tin ở Việt Nam cần đến 1 triệu lao động hoạt động. Song song đó, một sự ưu ái khác của thị trường lao động đối với ngành này là thực tế các cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây đã minh chứng, nhân lực thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin là một trong những ngành ít chịu sự tác động nhất.

    Công nghệ thông tin (IT) ngày càng trở thành lựa chọn của nhiều bạn trẻ nhiệt huyết, yêu thích lĩnh vực công nghệ. Muốn tạo nên sự khác biệt tích cực cho thế giới thì IT là một trong những con đường lựa chọn đúng đắn của bạn bởi IT ngày nay là công cụ quan trọng không thể thiếu trong các lĩnh vực khoa học công nghệ.

    Cơ hội việc làm của Công nghệ thông tin cho bạn rất nhiều lựa chọn hấp dẫn :

    - Lập trình viên: người trực tiếp tạo ra các sản phẩm công nghệ như phần mềm, hệ thống thông tin;

    - Kiểm duyệt chất lượng phần mềm: trực tiếp kiểm tra chất lượng các sản phẩm công nghệ do lập trình viên tạo ra;

    - Chuyên viên phân tích thiết kế hệ thống, quản lý dữ liệu, quản trị mạng, kỹ thuật phần cứng máy tính;

    - Chuyên gia quản lý, kinh doanh, điều phối các dự án công nghệ thông tin;

    - Giảng dạy và nghiên cứu về công nghệ thông tin tại các cơ sở đào tạo…

    Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin bạn có thể làm việc tại:

    - Các công ty, tập đoàn về công nghệ thông tin;

    - Các công ty sản xuất, lắp ráp, sửa chữa trang thiết bị phần cứng;

    - Các công ty cung cấp giải pháp tích hợp;

    - Các công ty cung cấp giải pháp về mạng và an ninh mạng;

    - Bộ phận Quản trị, bộ phận IT tại các công ty, kể cả công ty hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ và các lĩnh vực khác như ngân hàng, y tế, giáo dục, giải trí...

    - Giảng viên các trường đại học, cao đẳng, học viên, trung tâm có đào tạo Công nghệ thông tin.

    Ngoài kiến thức chuyên môn về IT được đào tạo, sinh viên cũng cần trang bị thêm yếu tố ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm cần thiết. Đáp ứng nhu cầu đó, khoa CNTT Trường Đại học KTCN Long An luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho SV tham gia vào các dự án do Khoa và nhà trường thực hiện nhằm giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện và sâu rộng về nghề nghiệp mình có dự định theo đuổi, trang bị thêm kiến thức và kinh nghiệm thực tế để tự tin chinh phục đỉnh cao nghề nghiệp.

    Nguồn: Sưu tầm - Biên soạn từ Business Insider