PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG GIAO TIẾP – CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG TRONG MỌI LĨNH VỰC

Đăng ngày: 05/01/2023 Lượt xem: 372

Nội dung bài viết Ẩn/Hiện

    Giao tiếp là một kỹ năng rất quan trọng mà ngày nay chúng ta thường nghe các nhà tuyển dụng nhắc đến rất nhiều khi hướng nghiệp cho các bạn trẻ. Vậy kỹ năng giao tiếp có vai trò gì trong cuộc sống cũng như trong công việc? Khi giao tiếp cần chú ý điều gì? Làm thế nào để cải thiện kỹ năng giao tiếp. Hãy cùng phòng QHDN tìm hiểu nhé!

    Kỹ năng giao tiếp là gì?

    Giao tiếp là hành động cho đi và nhận lại thông tin của hai cá thể thông qua hình thức nói (hoặc viết), nghe (hoặc đọc) thông qua ngôn ngữ của hai cá thể đó. Kỹ năng giao tiếp là một loại kỹ năng mềm giúp con người trao đổi thông tin, phát triển và duy trì các mối quan hệ xã hội. Chính vì vậy, đây là một kỹ năng quan trọng giúp chúng ta thành công trong cuộc sống.

    Giao tiếp là trao đổi thông tin giúp người khác hiểu ý mình đang truyền đạt và ngược lại

    Giao tiếp quan trọng như thế nào?

    Khi vừa cất tiếng khóc chào đời, chúng ta đã giao tiếp với thế giới xung quanh. Chúng ta khóc để thu hút sự chú ý của cha mẹ khi đói,  thấy khó chịu hay cần một điều gì đó. Khi lớn lên, chúng ta phát triển nhiều hành vi giao tiếp hơn hơn để cho mọi người biết điều chúng ta muốn truyền đạt, cũng như lắng nghe người khác thể hiện điều gì.

    Hầu hết chúng ta biết giao tiếp, nhưng không phải ai cũng giỏi giao tiếp trong công việc và cũng như trong cuộc sống. Tuy nhiên, bạn có thể phát triển kỹ năng giao tiếp của mình theo thời gian. Để trở thành một người giao tiếp tốt, bạn cần phải định hình được phong cách giao tiếp, hiểu rõ các ý tưởng và quan điểm của mình, nhưng cũng phải lắng nghe người khác và cân nhắc ý kiến ​​của họ. Một cuộc giao tiếp hiệu quả là khi mọi người trong đoạn hội thoại đó đều đang đi chung một chiếc thuyền.

    Kỹ năng giao tiếp tốt giúp bạn có nhiều mối quan hệ hơn

    Vậy để cải thiện giao tiếp, chúng ta cần phải làm gì?

    1. Giọng nói rõ ràng, mạch lạc.

    Khi bạn giao tiếp cần chú ý giọng nói của mình. Âm lượng của bạn có đủ cho người đối diện nghe không? Hay liệu nó có quá to làm phiền người khác không? Âm lượng giọng nói sẽ phụ thuộc vào ngữ cảnh và câu chuyện mà bạn và đối phương đang nói. Hãy quan sát xung quanh, xem mọi người ở đó đang giao tiếp với nhau như thế nào.

    Không nên nói quá nhanh, dài dòng không rõ ràng mục đích. Hãy sắp xếp ý trong trong đầu, xác định được mình muốn nói gì và nói với tốc độ vừa phải. Dân gian ta có câu “Cần uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng điều mà chúng ta nói ra đầy đủ nội dung, thông tin chúng ta cần và cũng vừa đủ để người khác có thể hiểu được mà không gây khó chịu cho họ.

    Lời nói cần rõ ràng, mạch lạc

    2. Hãy mở lòng

    Đừng viện cớ lý do rằng là người hướng nội, không cùng phòng ban hay nói chuyện với người đó chẳng giúp ích được gì cho công việc. Hãy bắt đầu bằng những lời chào hỏi bình thường nhất. Nếu có gặp lại họ trong một lần khác, chúng ta sẽ có cơ hội dễ dàng bắt chuyện hơn. Biết đâu một ngày nào đó, mình và người đó lại cùng làm chung một dự án, lúc đấy cả đôi bên sẽ có bức tường ngăn cách chỉ vì trước đây chạm mặt nhau nhiều lần mà chẳng bao giờ chào nhau.

    Hãy chủ động

    3. Lắng nghe, thảo luận.

    Trong một cuộc giao tiếp, có người nói thì cũng cần phải có người nghe. Lắng nghe không phải chúng ta ngồi nghe câu chuyện của đối phương, mà là cách chúng ta tiếp thu thông tin đó từ họ. Hãy tiếp nhận câu chuyện, ý kiến đó từ họ, dù nó đi ngược lại quan điểm của chúng ta. Tập trung câu chuyện bằng biểu cảm trên gương mặt, đưa ra những câu hỏi ngắn và nhìn vào mặt người nói. Khi nghe và feedback lại câu nói của họ, chắc chắn đối phương sẽ cảm thấy rất hứng thú với cuộc trò chuyện

    Đôi khi những điều mà người khác nói sẽ làm cho bạn thấy khó chịu và đi ngược lại với ý kiến của bạn. Hãy nên bình tĩnh, bởi mọi quan điểm cần phải được tôn trọng. Khi lắng nghe những điều đó, đừng vội phản bác liền mà hãy nhận xét mặt tích cực của vấn đề họ đưa ra. Sử dụng mẫu câu “Tôi thấy cái ý của bạn rất hay, nhất là… Nhưng có vấn đề tôi thấy chưa hợp lý lắm” và sau đó đưa ra luận điểm “Theo tôi, …”Hãy nên cùng nhau lắng nghe ý kiến cùng nhau thảo luận, không nên tranh cãi.

    Lắng nghe ý kiến của nhau sẽ giúp bạn đạt thành công trong giao tiếp

    4. Hãy rời đi khi mọi thứ trở nên căng thẳng và quay lại khi cả hai đã bình tĩnh.

    Dân gian có câu “Giận quá thì mất khôn”. Khi mọi thứ đang cực kỳ căng, chúng ta nên rời đi. Tuy nhiên không phải đang tranh cãi mà bỏ đi, hãy để lại một câu hẹn như: “Tôi nghĩ chúng ta nên cần thời gian bình tĩnh hơn, tôi sẽ quay lại trong 15 phút hoặc quay lại cả hai đã có phương án cho hai bên”

    Hãy rời đi khi cuộc hội thoại trở nên căng thẳng

    5. Sử dụng body language (Ngôn ngữ hình thể)

    Chúng ta không ai muốn nói chuyện với một khúc gỗ biết nói, không cảm xúc và ngồi im như tượng. Hãy điều tiết biểu cảm trên gương mặt và sử dụng ngôn ngữ cơ thể. Tránh bị lạm dụng quá khiến cho đối phương thấy mình đang làm lố hay cảm thấy mình đang bối rối, thiếu tự tin khi nói chuyện với họ.

    Sử dụng body language trong giao tiếp

    Kỹ năng giao tiếp là rất quan trọng trong việc tạo, duy trì và phát triển các mối quan hệ xung quanh chúng ta. Giao tiếp tốt giúp người khác có cái nhìn thiện cảm hơn, tin tưởng chúng ta hơn. Hãy luyện tập mỗi ngày để tự tin hơn trong giao tiếp bạn nhé! Chúc bạn thành công.