Tiến sĩ ĐH Stanford chỉ ra 6 kỹ năng sinh viên đang thiếu trầm trọng

Đăng ngày: 13/06/2022 Lượt xem: 424

Nội dung bài viết Ẩn/Hiện

    TS Nguyễn Chí Hiếu khẳng định nhiều sinh viên ra trường không xin được việc tốt không phải vì không thông minh mà vì thiếu kỹ năng thế giới đang cần.

    TS Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ tại hội thảo "Tái định nghĩa tài năng" do trường Phổ thông liên cấp Olympia tổ chức ngày 9/1. Nguồn: Internet

    Trong buổi Hội thảo "REDEFINING TALENTS" diễn ra cuối tuần qua, câu chuyện về "Tái định nghĩa tài năng" dưới sự dẫn dắt của hai vị khách mời, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu và Tiến sĩ Ernest Wong, đã mở ra nhiều góc nhìn mới mẻ về "tài năng" với học sinh và các vị phụ huynh.

    Từng lấy bằng tiến sĩ từ Đại học Stanford (Mỹ), thủ khoa MBA Đại học Oxford (Anh), TS Nguyễn Chí Hiếu đưa ra những con số "biết nói" trong hội thảo hôm 9/1 do trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) tổ chức.

    Theo khảo sát, 94% người Mỹ tin tưởng tuyệt đối rằng tấm bằng đại học là hướng đi tốt nhất dẫn tới thành công. Tuy nhiên, 90% lãnh đạo doanh nghiệp như Microsoft, Google nhận thấy sinh viên ra trường không đủ kỹ năng làm việc, kể cả người tốt nghiệp từ những trường thuộc top 20 như Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) hay Đại học Stanford.

    Đại học Harvard đã thực hiện một nghiên cứu trong 20 năm, chỉ ra sáu kỹ năng thế giới việc làm đang và sẽ cần, cũng là cái mà học sinh THPT và rất nhiều sinh viên đại học đang thiếu trầm trọng. "Những kỹ năng này quan trọng hơn rất nhiều điểm GPA, SAT tuyệt đối. Vì vậy, tôi mong muốn học sinh, sinh viên phải thay đổi ngay lập tức", tiến sĩ với 10 năm kinh nghiệm giảng dạy nói.

    Kỹ năng đầu tiên được Đại học Harvard chỉ ra là giao tiếp hiệu quả qua văn viết và văn nói. Theo thầy Hiếu, bây giờ đưa cho bất kỳ bạn nào chiếc micro, yêu cầu nói trong 15 phút về bất kỳ điều gì mà không cần chuẩn bị trước. Phần nói 15 phút đó thuyết phục được mọi người thì tức là thành công. Còn nếu không thu hút được một số người nghe, bạn đó thất bại. Giống như trong cuộc phỏng vấn xin học bổng kéo dài một tiếng nhưng trong 15 phút đầu không nói nổi vài câu thì chắc chắn trượt.

    Kỹ năng đầu tiên được Đại học Harvard chỉ ra là giao tiếp hiệu quả qua văn viết và văn nói. Nguồn: Internet

    Văn viết cũng vậy. Nhiều học sinh, sinh viên thời nay chat hay bình luận trên mạng xã hội rất nhanh, nhưng khi cho viết một bài văn một trang về thế giới hiện tại là không viết được. "Nhìn vào bài viết, người ta có thể biết được tư duy và thói quen của người viết, biết bạn có dành thời gian tìm hiểu về thế giới không, có hay đọc sách không", thầy Hiếu diễn giải lý do thiếu kỹ năng giao tiếp qua văn viết và văn nói thì cánh cửa đi đến thành công khép lại.

    Kỹ năng thứ hai là làm việc nhóm, thương lượng, quản lý khách hàng đối tác. Thực tế cho thấy rất nhiều học sinh đoạt giải quốc tế, học trường chuyên hàng đầu nhưng kỹ năng làm việc nhóm quá kém. Thầy Hiếu phân tích lý do là chủ nghĩa cá nhân quá cao. Đôi khi vì ghét nhau, chơi theo bè, làm theo bè nhóm nên khi được xếp vào nhóm với những người không ưa, chiến tranh bắt đầu bùng nổ.

    Nguồn: Internet

    Khi đi làm, không phải lúc nào cũng được làm việc cùng những người mình thích. Vì vậy, thầy Hiếu cho rằng mỗi học sinh, sinh viên cần phải hạ cái tôi cá nhân xuống, phải biết nhún nhường.

    Một kỹ năng cần thiết khác là tư duy đa chiều, bao gồm sáng tạo, phản biện, tự học. Theo thầy Hiếu, học thêm không có gì là xấu, khi không hiểu bài thì cần học thêm. Thế nhưng, học sinh cần biết ở đại học không có khái niệm học thêm hay thuê gia sư, đi làm cũng không có lớp học đi làm. Vì vậy, nếu học thêm mà không có năng lực tự học, tự nghiên cứu thì chỉ học tốt cấp ba ở Việt Nam.

    Một kỹ năng cần thiết khác là tư duy đa chiều, bao gồm sáng tạo, phản biện, tự học. Nguồn: Internet

    Đại học Harvard còn chỉ ra tác phong chuyên nghiệp, gồm hình ảnh, phong cách, phép xã giao cũng là kỹ năng học sinh, sinh viên rất thiếu. Nhớ lại câu chuyện ngồi trong ban tuyển sinh để xét trao học bổng vào năm ngoái, thầy Hiếu ngỡ ngàng khi 20 học sinh đến từ những trường THCS tốt nhất Hà Nội đến phỏng vấn thì tới 15 bạn ăn mặc không phù hợp. Có bạn đi dép crocs, có bạn mặc quần đùi rất ngắn, đồ thể thao trong khi ba người phỏng vấn đều mặc đồ vest. Điều đó cho thấy các bạn không ý thức được ăn mặc như thế nào cho phù hợp.

    Có bạn đỗ top đầu của các trường đại học nhưng khi đi phỏng vấn xin việc thì vừa ngồi được 5 phút đã bị đánh trượt. Lý do được nhà tuyển dụng đưa ra là có tác phong, cách ăn mặc không tôn trọng người đối diện. Với họ, điều đó quan trọng hơn cả sự thông minh.

    "Như tôi, không thông minh bằng nhiều người nhưng vẫn nhận được học bổng vì đã thắng từ lúc ngồi chờ phỏng vấn", thầy Hiếu lấy ví dụ. Trong lúc ngồi chờ đến lượt, những ứng viên khác ngồi ngả ngốn, ngủ gục hay ngáp ngắn ngáp dài thì người ngồi nghiêm chỉnh, phong thái tự tin chắc chắn được đánh giá cao hơn.

    Thứ cần thiết tiếp theo là tính cách (đạo đức, sự độc lập, độ tin cậy). Chẳng hạn, chi phí học tập một năm ở nước ngoài là 80.000 USD. Các trường chỉ có một tiếng để xem xét bạn có xứng đáng được tặng số tiền đó không. Họ phải cân nhắc lựa chọn người đáng tin cậy, độc lập, có đạo đức, chắc chắn không đùng đùng đòi nghỉ giữa chừng. Vì vậy, nếu không thể hiện được bạn có những điều trên, nhà tuyển sinh hay nhà tuyển dụng không có lý do gì để nhận và hỗ trợ bạn.

    Ngoài năm kỹ năng kể trên, học sinh, sinh viên cũng cần có năng lực lãnh đạo (cố vấn, giám sát, quản lý dự án) để thành công trong tương lai. Điều này cần được tôi luyện nhiều trong thời gian học đại học.

    Sinh viên cũng trang bị thêm năng lực lãnh đạo để thành công trong tương lai. Nguồn: Internet

    Thầy Hiếu dẫn thêm một số liệu khảo sát cho thấy 80% hiệu trưởng trường đại học ở Mỹ cho rằng đại học đang thất bại trong việc đào tạo sinh viên những kỹ năng trên. Đại học không có những lớp học về tính cách hay tác phong chuyên nghiệp. Vì vậy, cùng 1.000 sinh viên vào Đại học Harvard nhưng khi bước ra chỉ 100 sinh viên làm việc xuất sắc vì cách dùng thời gian của họ khác với 900 bạn còn lại. Họ không vùi đầu vào học những bài trên lớp mà dành thời gian để xây dựng những kỹ năng cần thiết.

    Thầy Hiếu khẳng định thêm nhiều sinh viên học một đại học tốt, ra trường không có cơ hội việc làm không phải vì không thông minh, tài năng mà vì bỏ qua những kỹ năng cần thiết. Thầy lấy dẫn chứng một cựu học sinh giành huy chương Olympic Toán quốc tế, qua Pháp học đại học rồi qua Mỹ làm tiến sĩ. Ra trường, anh nộp đơn xin làm giáo sư ở những đại học hàng đầu. Công trình nghiên cứu của anh là tốt nhất trong dàn tiến sĩ năm đó. Tuy nhiên, anh bị trượt tổng cộng 30 trường tốt nhất vì không thể thuyết trình được.

    Tuy vậy, TS. Hiếu cũng thông tin, khi nhìn vào thực trạng ngành giáo dục, 80% Hiệu trưởng cho rằng các trường đại học hàng đầu của Mỹ đều không thể trang bị cả 6 kỹ năng kia cho sinh viên, 80% sinh viên học gạo nhưng không đi sâu vào hiểu bản chất vấn đề, 90% dạy đại học là những kiến thức bề nổi, 30-70% giờ học tập trung vào luyện thi; tiêu tốn quá nhiều thời gian của học sinh vào việc luyện tập cho các kỳ thi chuẩn hóa vốn không xây dựng được nhiều năng lực cho học sinh.
    Trên thực tế, năng lực nền tảng thực sự của học sinh và năng lực đo được qua các bài thi chuẩn hóa hiện nay chỉ giao nhau ở một khoảng rất nhỏ. Các bài kiểm tra chỉ phản ánh được một phần khả năng của học sinh, không thể hiện được hết năng lực toàn diện, tài năng của mỗi người. Tài năng là sự tổng hòa của khả năng tổng quát, khả năng chuyên biệt, độ cam kết với mục tiêu và năng lực sáng tạo.

    Qua trường hợp thực tế này, thầy Hiếu hy vọng học sinh, sinh viên biết mình cần phát triển những kỹ năng gì bên cạnh việc cố gắng đỗ trường tốt và học thật giỏi.

    "Hãy cẩn thận, tấm bằng đại học không nói được gì nhiều về khả năng làm việc của bạn. Thế giới này quan tâm việc bạn có thể làm gì với những điều bạn biết. Kỷ nguyên sáng tạo đòi hỏi nhiều hơn là những thước đo cũ kỹ kia. Nó quan tâm đến những kỹ năng mềm của bạn - năng lưc lãnh đạo, tính khiêm nhường, khả năng hợp tác, khả năng thích nghi, niềm yêu thích học tập, cải thiện bản thân", thầy Hiếu dẫn lại câu của tác giả Thomas Friedman để nhắn nhủ học sinh.

    Nguồn:  Sưu tầm - Biên soạn từ Báo Vnexpress