Thúc đẩy bình đẳng giới trong công tác chăm sóc việc làm cho sinh viên nữ tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành năm 2022

Đăng ngày: 01/03/2023 Lượt xem: 233

Nội dung bài viết Ẩn/Hiện

    Căn cứ chính sách thực hiện bình đẳng giới trong chăm sóc việc làm cho sinh viên tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Phòng Quan hệ Doanh nghiệp & Việc làm sinh viên (Phòng QHDN & VLSV) đã phối hợp cùng các đơn vị trong toàn Trường thực hiện các hoạt động hướng tới việc xóa bỏ khoảng cách về sinh kế giữa nữ sinh viên với nam sinh viên tại Trường ĐH NTT. Cụ thể, 

    Khoảnh khắc buổi lễ tốt nghiệp đáng nhớ của gần 3.000 tân khoa Trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm 2022

    1. Trong công tác hướng nghiệp, tuyển sinh

    - Có chính sách khuyến khích nữ sinh viên tham gia các ngành nghề mà trước đây thường có tỷ lệ nam nữ mất cân đối, đặc biệt chú trọng khuyến khích nữ sinh viên tham gia vào các ngành nghề STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật), là các ngành nghể thường có mức lương cao hơn và cơ hội phát triển sự nghiệp lớn hơn. Cung cấp học bổng, hỗ trợ nghiên cứu và giảng dạy cho nữ sinh viên trong các ngành nghề này

    2. Trong công tác đào tạo và nghiên cứu

    - Xây dựng được môi trường học tập công bằng và bình đẳng. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả sinh viên phát triển tiềm năng của họ mà không phân biệt giới tính.

    3. Trong công tác chăm sóc sinh viên

    - Định kỳ tổ chức các hoạt động, hội thảo, và giáo dục về ý thức giới tính để tăng cường nhận thức về sự chênh lệch giữa nam và nữ trong các vấn đề về sinh kế. Chính sách này giúp tạo ra môi trường học tập và sự phát triển công bằng hơn giữa các sinh viên nam và nữ.

    - Thường xuyên mở các lớp đào tạo và phát triển kỹ năng nghiệp vụ, cung cấp các khóa đào tạo về khởi nghiệp và phát triển kỹ năng nghiệp vụ, bao gồm quản lý tài chính cá nhân, lập kế hoạch nghề nghiệp, giúp cả sinh viên nam và nữ tự tin và hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng một kế hoạch tài chính ổn định sau khi tốt nghiệp. Nhà trường đã xây dựng mạng lưới hỗ trợ và mentee và tạo các chương trình mentor cho nữ sinh viên, giúp họ có thêm sự định hướng và tư vấn trong quá trình học tập và xây dựng sự nghiệp.

    4. Trong công tác chăm sóc việc làm cho sinh viên

    - Hỗ trợ tư vấn và tạo cơ hội nghề nghiệp công bằng cho cả nam và nữ.

    - Thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ, đào tạo về kỹ năng giao tiếp, chinh phục nhà tuyển dụng và kỹ năng đàm phán lương. Đặc biệt, Nhà trường luôn khuyến khích nữ sinh viên tham gia.

    - Đảm bảo sự công bằng trong việc tuyển dụng và thăng tiến.

    - Xét Học bổng và chính sách Hỗ trợ tài chính và việc làm thêm, đặc biệt là đối với sinh viên nữ.

    Đánh giá chung về việc xét học bổng Doanh nghiệp cho sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã và luôn quan tâm xem xét, lựa chọn đúng đối tượng đủ và đạt các điều kiện, tiêu chí xét chọn. Qua các đợt xét học bổng Doanh nghiệp được thống kê trên, cho thấy Nhà trường chú trọng quyền bình đẳng giới, nam nữ được bình đẳng trong việc nộp hồ sơ xét học bổng và được xem xét, chọn lọc hồ sơ đúng quy định. Nâng cao hiệu quả bảo đảm bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo. Giúp các em sinh viên vượt qua khó khăn về tài chính, vươn lên trong học tập.

    Kết quả triển khai các hoạt động của Nhà trường trong việc thực hiện bình đẳng giới trong chăm sóc việc làm cho sinh viên trong thời gian qua đã góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hiệp quốc (LHQ). Trong đó, có Mục tiêu số 4: “Đảm bảo giáo dục có chất lượng, công bằng và toàn diện, đồng thời thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”. Và nội dung cốt lõi của Mục tiêu này là Mục 4.5: “Đến năm 2030, xóa bỏ bất bình đẳng giới trong giáo dục, đảm bảo sự tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng ở mọi cấp độ  và đào tạo nghề các đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số/ các cộng đồng bản địa và trẻ em ở các hoàn cảnh khó khăn” và Mục tiêu số 5 là: “Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”; góp phần thực hiện Điều 13 của Luật Bình đẳng giới, giúp nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác; góp phần thực hiện Điều 135 Bộ luật Lao động 2019, bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ, lao động nam có việc làm thường xuyên, có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp; cũng như góp phần thực hiện chiến lược phát triển của nhà trường thông qua việc tổ chức thực hiện các chương trình hoạt động vì bình đẳng giới trong chăm sóc việc làm cho sinh viên Trường ĐH NTT nhằm xóa bỏ khoảng cách về sinh kế giữa sinh viên nữ so với sinh viên nam, thúc đẩy công bằng và bình đẳng trong môi trường học tập và việc làm sau tốt nghiệp.

    Theo đó, thống kê từ kết quả khảo sát tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp trong năm 2022, tỷ lệ nữ sinh viên tốt nghiệp so với tổng số lượng sinh viên tốt nghiệp được xét trên các chỉ tiêu: Về công tác ưu tiên hỗ trợ việc làm; sự hài lòng về mức lương và công việc như sau:

    (1) Tỷ lệ nữ SV tốt nghiệp/tổng số SV tốt nghiệp: là 1,607/2,496 - chiếm 64%. 

    (2) Tỷ lệ nữ SV được giới thiệu việc làm/tổng số SV được giới thiệu việc làm: là 645/1,008 - chiếm 64%.

    (3) Thu nhập trung bình một tháng của SVTN cả nam và nữ từ 7-10 triệu VNĐ.

    (4) Tỷ lệ SV nữ hài lòng về công việc /tổng số SV được khảo sát là: 625/1,008 - chiếm 62%
    (5) Tỷ lệ SV nữ hài lòng về thu nhập/tổng số SV được khảo sát là: 580/1008 - chiếm 58%.

    Các kết quả trên cho thấy chính sách triển khai của Nhà trường trong việc thực hiện bình đẳng giới trong chăm sóc việc làm cho sinh viên trong thời gian qua là phù hợp. Cần tiếp tục phát huy, triển khai đồng bộ các hoạt động này nhằm hướng tới việc xóa bỏ được khoảng cách về sinh kế giữa nam và nữ sinh viên tại Trường ĐH NTT.